Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Về Pác Bó nhớ Bác Hồ
Năm 1941, nhân dân xã Trường Hà (Hà Quảng) vinh dự đón Bác Hồ trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước gây dựng phong trào cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Trường Hà nay đổi khác nhiều, đường lớn thênh thang, ruộng nương bát ngát xanh ngắt một màu, đời sống nhân dân ngày càng ấm no. Với ý nghĩa lịch sử to lớn, Pác Bó trở thành Khu di tích Quốc gia đặc biệt, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Diện mạo nông thôn mới xã Trường Hà (Hà Quảng). Ảnh: Thế Vĩnh

Diện mạo nông thôn mới xã Trường Hà (Hà Quảng). Ảnh: Thế Vĩnh

Tháng Năm lịch sử, khung trời Pác Bó trong xanh, con đường Hồ Chí Minh phẳng phiu dẫn từ trung tâm Thành phố đến tận Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Pác Bó không chỉ có núi non hùng vỹ, nước suối trong veo rì rào, giữa trung tâm Khu di tích là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên ngọn núi mang tên Pò Tếnh Chấy. Với kiến trúc đẹp, Đền thờ có dáng dấp một ngôi nhà sàn của người Tày, Nùng bản địa, vừa mang nét hiện đại mà vẫn toát lên dáng vẻ trang nghiêm, thành kính như tấm lòng sắt son của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng với Bác.

Đến làng Pác Bó, chúng tôi gặp ông Quán Trí Khiàng, người cựu chiến binh đã vinh dự gặp Bác Hồ khi Người về thăm lại Pác Bó năm 1961. Khi ấy ông Khiàng là chàng thanh niên 17 tuổi. Sinh ra trên quê hương cội nguồn cách mạng, từ nhỏ, ông Khiàng được mẹ và các cụ cao tuổi trong làng kể lại và ông nhớ như in những điểm di tích, nơi ghi dấu chân Già Thu trong thời gian hoạt động cách mạng ở đây.

Ngày đó, bản làng xác xơ, ăn không đủ no, áo không đủ ấm, quanh năm bị giặc Tây, cường hào áp bức, bóc lột, làm quần quật mà không đủ tiền nộp sưu thuế... Giữa lúc đó, làng Bó Bẩm xuất hiện một người khách lạ. Dáng ông cao gầy, gương mặt rất phúc hậu. Không ai biết người khách tên gì, chỉ nghe người ta gọi là Ông Ké, có người lại gọi là Già Thu. Ông Ké, dịch nghĩa tiếng địa phương là "Ông Già", gọi theo nghĩa thân mật trìu mến. Ông quan tâm đến tất cả mọi người, tắm cho trẻ nhỏ, giúp đỡ người già, dạy thanh niên biết chữ, dạy cách trồng rau, tăng gia sản xuất. Cái gì ông cũng biết làm, cái gì ông cũng giỏi khiến mọi người đều quý mến, nể phục. Người già trong làng bảo, ông Ké về đây để giúp dân mình đánh đuổi giặc Tây.

Mãi sau này, ông Khiàng mới biết Ông Ké chính là Bác Hồ. Được Ông Ké tuyên truyền, người dân Pác Bó đã giác ngộ cách mạng. Chỉ sau một thời gian ngắn, ở Hà Quảng đã thành lập được nhiều tổ chức cứu quốc, như: Nông dân Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Nhi đồng Cứu quốc… Phong trào cách mạng như đốm lửa Bác thắp lên từ Pác Bó lan rộng khắp cả nước, bùng lên thành bão táp cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ lầm than.

Là người vinh dự được gặp Bác khi Bác về thăm lại Pác Bó, ông Khiàng kể lại: Hôm đó, Bác mặc giản dị, đến bắt tay từng người dân Pác Bó đang đứng chờ Bác. Những người già được Bác mời thuốc, trẻ em được chia bánh kẹo. Sau đó Bác nói chuyện với nhân dân Pác Bó, hỏi thăm cuộc sống, chia sẻ những kỷ niệm buồn vui giản dị như người con ở xa về thăm lại quê hương. Cuộc gặp bất ngờ đã để lại dấu ấn sâu sắc đối với tôi và người dân Pác Bó khi ấy.

Trước đây, ở Pác Bó chưa có đường đi lại thuận tiện như bây giờ, muốn sang đến cửa hang Cốc Bó phải lội qua suối, trèo đến lưng chừng núi. Trải qua quá trình phát triển, các điểm di tích được tôn tạo, xây mới nhiều hạng mục nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, học tập của hàng vạn lượt khách trong nước và quốc tế. Giờ đây, những người trực tiếp che giấu, đùm bọc, hoạt động cùng Bác ngày đó người còn, người mất. Chỉ còn lại những trang sử vàng khắc ghi tại nơi núi rừng thiêng liêng này, từng có một “Già Thu” vĩ đại, từng sống và hoạt động cách mạng, vạch ra con đường cứu nước.

Ngày nay, nhờ ơn Đảng, Bác Hồ, đất nước độc lập, tự do, nhân dân Pác Bó cùng cả nước đi lên xây dựng đời sống mới. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng đang nỗ lực vươn lên đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Cảnh lam lũ, đói khổ năm xưa nay không còn, về Trường Hà hôm nay, những ngôi nhà mới xây mọc lên san sát, đường Hồ Chí Minh rộng mở, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng... với mái tôn đỏ tươi như những bông hoa đẹp nơi núi rừng biên cương địa đầu Tổ quốc.


Nhân dân xóm Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) phát triển, gìn giữ nghề làm hương truyền thống.

Chủ tịch UBND xã Trường Hà Triệu Văn Duy phấn khởi cho biết: Những năm gần đây, Trường Hà được quan tâm đầu tư, hỗ trợ, tạo động lực cho xã đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, 100% xóm có đường ô tô, có điện lưới quốc gia, nhiều dự án, mô hình kinh tế được triển khai mang lại thu nhập cho người dân; cuộc sống của người dân ngày càng cải thiện. Với những cố gắng trong xây dựng và phát triển kinh tế, xã đã về đích nông thôn mới. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Về Pác Bó, dường như bóng hình của Bác vẫn còn đây. Trong tâm khảm những người con đất Việt, Pác Bó mãi là nơi cả dân tộc Việt Nam tưởng nhớ, khắc ghi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng, nơi nhân dân thể hiện lòng tôn kính, ngưỡng mộ đối với Người và là nơi để giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước của dân tộc cho các thế hệ mai sau.

 
Thanh Bình (baocaobang.vn)