Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
"Ẩn số” kho trầm tích văn hóa người Nùng Vẻn duy nhất ở Cao Bằng
Có nhiều nhà khoa học về Dân tộc học, Văn hóa học, Ngôn ngữ học của Trung ương và địa phương quan tâm nghiên cứu các nhóm Nùng ở Cao Bằng. Trong đó, người dân tộc Nùng Vẻn trong danh mục tộc danh tại địa phương thường gọi là người Vẻn, duy nhất 100% sinh sống tại xóm Cả Tiểng (Cja Tjeng), xã Nội Thôn (Hà Quảng). Kho trầm tích văn hóa truyền thống với những di sản vật thể, phi vật thể độc đáo của người Nùng Vẻn hiện nay vẫn còn nhiều “ẩn số” cần được nghiên cứu, “giải mã”, đồng thời, đặt ra vấn đề gìn giữ, bảo tồn và phát huy kịp thời.
Trang phục truyền thống của người Nùng Vẻn.

Trang phục truyền thống của người Nùng Vẻn.

KỲ 1: NHIỀU “ẨN SỐ” CẦN LỜI GIẢI VỀ NGƯỜI NÙNG VẺN

Nhắc đến cái tên Nùng Vẻn tại xóm Cả Tiểng sẽ rất nhiều người ngạc nhiên, thắc mắc, tò mò. Bởi đến nay, nhiều nhà nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc lịch sử, đời sống, văn hóa… với nhiều “ẩn số” chưa có lời giải.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Thạc sĩ Hoàng Thị Nhuận, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh là một trong những người đầu tiên của Cao Bằng có công trình nghiên cứu về tộc người Nùng Vẻn và có báo cáo khoa học tại Hội nghị Quốc gia về Thái học lần thứ VIII, năm 2017 được tổ chức tại Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Bà Hoàng Thị Nhuận chia sẻ: Hội nghị về Thái học quốc gia được tổ chức định kỳ 2 năm/lần do Chương trình Thái học Việt Nam tổ chức. Chương trình này được sáng lập từ năm 1989 và trực thuộc Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển với vai trò nghiên cứu về cộng đồng người Thái và nhóm Kadai gồm các dân tộc cùng ngữ hệ Tày - Thái như: Tày - Nùng, Pu Péo, Giáy, Lự… Với chủ đề của Hội nghị là “Phát huy vai trò bản sắc cộng đồng các dân tộc Thái - Kadai trong hội nhập và phát triển bền vững”, tôi phối hợp với đồng chí Vương Văn Võ (nay là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy), là người dân tộc Nùng Vẻn, sinh ra, lớn lên ở xóm Cả Tiểng mang đến hội nghị chủ đề: “Người Nùng Vẻn ở bản Cja Tjeng, xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng, Cao Bằng - nét tương đồng và sự khác biệt với người Tày và các nhóm Nùng khác”.

Trong đó, nhấn mạnh, tộc người Nùng Vẻn hiện còn duy nhất ở Cao Bằng nói riêng và Việt Nam nói chung tại một xóm độc nhất với 42 hộ, 238 nhân khẩu ở Cả Tiểng. Hiện nay, còn rất nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa vật chất và tinh thần của người Nùng Vẻn ở Cả Tiểng vẫn còn nhiều “ẩn số”. Qua nhóm người Nùng Vẻn cụ thể này, tôi mong có thể gợi mở những triển vọng mới trong xu hướng nghiên cứu, có kế hoạch định hướng đầu tư sự phát triển toàn diện cho các dân tộc thiểu số có nguy cơ bị xóa tên trên bản đồ dân tộc ở nước ta nói chung và ở Cao Bằng nói riêng.

Đồng chí Vương Văn Thảo, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Quảng cho biết: Bản thân tôi trực tiếp đưa một số đoàn công tác, chuyên gia trong và ngoài tỉnh đến xóm Cả Tiểng để nghiên cứu, tìm hiểu về nhóm người Nùng Vẻn nơi đây. Các đoàn nghiên cứu, các chuyên gia đều nhận định: Người Nùng Vẻn tại xóm Cả Tiểng là tộc người Nùng Vẻn duy nhất, độc nhất tập trung sống tại một xóm xen giữa các nhóm người Nùng khác (Nùng Giang, Nùng Cháo, Nùng Inh…).

Người Nùng Vẻn có nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống mang đặc trưng riêng… Đặc biệt, ngôn ngữ của người Nùng Vẻn rất khác biệt với các nhóm Nùng khác tại Hà Quảng nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung. Khi phát âm người Nùng Vẻn thường dùng âm gió đi cùng thanh lửng nặng nề, nên người Nùng Vẻn khi đối thoại các nhóm Nùng khác không thể nghe hiểu, khi họ nói chậm lại các nhóm Nùng khác mới hiểu được một số từ. Các nhóm Nùng ở Cao Bằng đều nghe, hiểu lẫn nhau và có thể đối thoại bình thường, duy nhất chỉ có nhóm Nùng Vẻn là có ngôn ngữ không giống nhóm Nùng khác.

Những thông tin được cung cấp thôi thúc tôi đến xóm Cả Tiểng để trực tiếp khám phá những “ẩn số” của người Nùng Vẻn nơi đây. Từ trung tâm huyện Hà Quảng đến xóm Cả Tiểng khoảng 25 km, trong đó, từ trung tâm xã Nội Thôn về đến xóm hơn 4 km. Xóm nằm trong thung lũng vùng cao Lục Khu - vùng đặc biệt khó khăn của huyện Hà Quảng. Giữa những làn gió vùng cao nguyên đá, màu hoa dại trắng bên đường hòa quyện trong màu xanh của bạt ngàn cây rừng khiến cảnh vật thêm duyên dáng. Đó là nơi nhóm người Nùng Vẻn đang sống hòa với thiên nhiên, chăm chỉ lao động, đoàn kết giúp nhau xây dựng cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc.


Một góc xóm người Nùng Vẻn Cả Tiểng, xã Nội Thôn (Hà Quảng).

Trưởng xóm Cả Tiểng Hoàng Văn Hạ dẫn tôi vừa tham quan, khám phá xung quanh xóm vừa kể cho tôi nghe những câu chuyện anh biết từ khi còn nhỏ cũng như nghe cha ông kể lại. Cả xóm 100% là người Nùng Vẻn, có ba dòng họ cùng sinh sống (họ Vương, họ Hoàng, họ Sầm), trong đó, họ Vương có số hộ đông nhất. Các thế hệ trước đều khẳng định dân tộc người Nùng Vẻn có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc di cư sang, nhưng chính xác vào Việt Nam cách đây bao lâu và từ vùng nào của Trung Quốc tới thì chưa xác minh được. Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, 16 người trong xóm tham gia bộ đội, có 9 liệt sĩ hy sinh tại chiến trường miền Nam, nước bạn Lào và trong chiến tranh biên giới năm 1979, chỉ có 7 người hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương. Đã có 7 hộ dân di cư vào Tây Nguyên làm ăn từ năm 1996 - 1999. Xóm Cả Tiểng từ năm 1996 đến nay luôn đạt xóm văn hóa các cấp.

Người Nùng Vẻn có kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng, độc đáo, được thể hiện ở kiến trúc nhà truyền thống, trang phục, trang sức, làn điệu dân ca, dân vũ, các lễ hội truyền thống... Đời sống văn hóa, tinh thần của người Nùng Vẻn khá phong phú và đa dạng. Người Nùng Vẻn không theo tôn giáo nào chính thức. Giống như các nhóm Nùng khác, tín ngưỡng thờ cúng chính của người Nùng Vẻn bao gồm: Thờ cúng tổ tiên trong nhà và thờ cúng thổ công của bản. Bàn thờ được thắp hương vào các ngày Rằm và mùng Một âm lịch hằng tháng. Bản có chung một miếu thờ Thổ công đặt ở đầu bản, lễ cúng Thổ công tương ứng với các lễ, tết trong năm như: Tết Nguyên đán, mùng một tháng Giêng, Tiết Thanh Minh và ngày 14/7 âm lịch hằng năm. Người thực hành các nghi lễ là các thầy cúng, chủ yếu là các thầy Tào.

Người dân tộc Nùng tại huyện Hà Quảng hiện chiếm 43,6% dân số với các nhóm Nùng Giang, Nùng Vẻn, Nùng An, Nùng Inh, Nùng Lòi, Nùng Khen Lài, Nùng Cháo, Nùng Ngạn... Trong đó, Nùng Vẻn là một dân tộc khu biệt với số người rất ít và có nhiều di sản văn hóa phi vật thể và vật thể độc đáo. Để phân biệt rõ nét sự khác biệt giữa dân tộc Nùng Vẻn với dân tộc Nùng ở Hà Quảng nói riêng và Cao Bằng nói chung, cơ quan chức năng sớm vào cuộc mạnh mẽ hơn để “giải mã” những “ẩn số” về nguồn gốc, lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa… của người Nùng Vẻn ở xóm Cả Tiểng.
   
Kỳ 2: Những bản sắc riêng của người Nùng Vẻn

 
Xuân Lam (baocaobang.vn)