Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Hà Quảng khai thác tiềm năng phát triển nông nghiệp hàng hóa
Nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, huyện Hà Quảng xây dựng các đề án phát triển cây trồng, vật nuôi mũi nhọn; triển khai linh hoạt cơ chế chính sách thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh, tạo tăng trưởng kinh tế nông nghiệp ổn định và bền vững trong giai đoạn mới.

Cây gừng trâu mang lại thu nhập cao cho người dân xã Nội Thôn, vùng Lục Khu (Hà Quảng).

Là địa phương có tiềm năng về phát triển nông nghiệp, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, đề ra các chương trình trọng tâm, giải pháp về phát triển nông nghiệp. Làm tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát huy lợi thế vùng, miền đầu tư phát triển các cây, con phù hợp. Điển hình tại vùng cao Lục Khu, tuy còn khó khăn về nước tưới, thiếu đất sản xuất, song, người dân luôn cần cù, chịu khó; sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình phát triển sản xuất. Đến nay, trên địa bàn huyện bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa như: vùng trồng thuốc lá nguyên liệu, trồng gừng, lạc giống, kiệu, nghệ, ngô ngọt, đỗ tương, rau, chăn nuôi bò u, lợn đen…

Với hướng đi đúng đắn, sự chỉ đạo kịp thời, hiệu quả, hằng năm, huyện đều hoàn thành tốt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế nông nghiệp. Năm 2021, tổng kinh phí thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện đạt gần 6 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 40 nghìn tấn; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 38,7 triệu đồng/ha/năm; tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm trên 41%; tổng đàn gia súc gia cầm hiện có gần 474 nghìn con, giá trị xuất bán đạt hơn 448 tỷ đồng…

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, huyện xây dựng Đề án phát triển sản xuất gừng trâu hữu cơ theo chuỗi giá trị và hỗ trợ phát triển chăn nuôi, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đối với Đề án sản xuất gừng trâu hữu cơ, huyện tập trung xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu với quy mô gần 200 ha, tập trung tại các xã: Cải Viên, Tổng Cọt, Lũng Nặm, Thượng Thôn, Nội Thôn, Quý Quân, Đa Thông, Ngọc Động. Đến nay, diện tích trồng gừng trâu đạt trên 111 ha, sản lượng đạt trên 2.000 tấn; giá trung bình dao động từ 12 - 18 nghìn đồng/kg; giá trị kinh tế từ 250 - 350 triệu đồng/ha và hiện đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Huyện phấn đấu đến năm 2025 trồng trên 300 ha, đến năm 2030 tăng lên 600 ha; kinh phí thực hiện Đề án hơn 76 tỷ đồng.

Đối với Đề án phát triển chăn nuôi, huyện phấn đấu đến năm 2025 có trên 12.500 con trâu, tăng 1,5%/năm; đàn bò trên 19.900 con, tăng 2%/năm; đàn lợn trên 54.700 con, tăng từ 5 - 6,2%/năm. Tập trung phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng trang trại quy mô vừa và nhỏ; tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích trồng cỏ voi hiện có, trong đó trồng mới từ 30 - 40 ha cỏ/năm, phấn đấu diện tích trồng cỏ chăn nuôi đến năm 2025 đạt trên 500 ha trở lên. Xây dựng 1 lò mổ gia súc tập trung tại thị trấn Xuân Hòa, quy mô giết mổ 50 - 100 con/ngày. Kinh phí thực hiện Đề án gần 34 tỷ đồng.

Nông dân xã Thượng Thôn (Hà Quảng) nuôi trâu, bò vỗ béo.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng Lưu Trọng Hính cho biết: Khi xây dựng các đề án, chúng tôi tích cực tham mưu UBND huyện xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ; cách thức tổ chức triển khai; vấn đề quy hoạch vùng sản xuất; việc thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư bao tiêu sản phẩm; tư vấn xây dựng các mô hình điểm gắn với việc xử lý môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa; vấn đề liên kết sản xuất theo chuối giá trị; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích cach tác; tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường; làm tốt khâu chế biến nông sản tại địa phương. Đồng thời, tiếp tục xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện hằng năm phù hợp với điều kiện thực tế, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; chú trọng vấn đề chuyển giao khoa học kỹ thuật, trong đó, tập trung hỗ trợ cây con giống, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển chăn nuôi thành vùng; tiếp tục di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm sàn; quan tâm đến các trang trại vừa và nhỏ. Về lâu dài sẽ phát triển thành quy mô lớn; làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất, nhất là vấn đề bảo quản, chế biến nông sản.

Để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với nhóm sản phẩm chủ lực, hiện nay huyện thu hút 16 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn với số vốn điều lệ 27 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết số 28/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, huyện hỗ trợ hơn 15,2 tỷ đồng để thực hiện 15 dự án liên kết, hỗ trợ giống phân bón cho người dân trồng các cây nông nghiệp hàng hóa. Đặc biệt khi triển khai 2 đề án mới, các doanh nghiệp, HTX tiếp tục được hỗ trợ trong việc xây dựng nhà xưởng; đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, giống cây con, xây dựng nhãn mác thương hiệu, kết nối và xúc tiến trong bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường phát triển kinh tế trang trại, gia trại, kinh tế hợp tác, hỗ trợ nâng cao năng lực và tài chính thông qua việc vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất. Hỗ trợ và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từng bước tăng quy mô sản xuất nông nghiệp, áp dụng cơ giới hóa và hạ tầng kỹ thuật gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

 
Thái Hà (baocaobang.vn)