Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Hà Quảng tập trung phát triển du lịch
Đại hội Đảng bộ huyện Hà Quảng lần thứ XX đề ra 3 chương trình trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó có Chương trình phát triển hạ tầng (giao thông, đô thị, du lịch). Thực hiện chương trình, huyện tập trung xây dựng quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các cơ sở lưu trú, vận tải, mở rộng các loại hình du lịch..., góp phần phát triển du lịch bền vững.
Du khách tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng).

Du khách tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng).

Những năm qua, công tác phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn đạt một số kết quả nhất định. Một số hạng mục công trình, dự án tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích lịch sử Kim Đồng; các điểm di tích lịch sử cách mạng, địa chỉ đỏ như: hang Phja Nọi, Nà Sác (xã Trường Hà), Ngườm Gảng, Khuổi Slấn (xã Ngọc Đào), Phja Toọc (thị trấn Thông Nông)... được Nhà nước đầu tư, trùng tu, tôn tạo. Phối hợp xây dựng hoàn thành các điểm di sản văn hóa Công viên địa chất Non nước Cao Bằng đã được UNESCO công nhận là điểm Công viên địa chất Toàn cầu. Công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh của huyện được quan tâm thực hiện.

Hằng năm, huyện tổ chức Lễ hội Về nguồn Pác Bó, Hội thi bò xuân, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, thành lập Chi hội Bảo tồn dân ca huyện..., từng bước đưa hình ảnh của huyện đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Hoạt động thương mại, cửa hàng, siêu thị nhỏ, nhà nghỉ, khách sạn, homestay và các dịch vụ ăn uống từng bước phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và khách du lịch.

Từ đó, lượng khách đến tham quan tăng đáng kể, năm 2015 đón 120.000 lượt, đến năm 2019 đón 221.378 lượt; giai đoạn 2015 - 2019 đón 762.239 lượt. Năm 2015, giá trị ngành dịch vụ, du lịch chiếm 24,5%; năm 2020 chiếm 32,45% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Từ đó, cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển dịch đáng kể từ nông, lâm nghiệp sang phát triển dịch vụ.

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Quảng Nông Văn Dẫn cho biết: Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, giá trị ngành dịch vụ, du lịch atrong cơ cấu kinh tế huyện chiếm trên 38%, huyện tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên, nét văn hóa, ẩm thực đặc trưng làm cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển du lịch của huyện.

Cụ thể hóa nghị quyết về Chương trình phát triển du lịch - dịch vụ huyện giai đoạn 2021 - 2025 bằng việc đề ra kế hoạch cụ thể theo từng năm, từng giai đoạn với từng hạng mục chi tiết như: Xây dựng quy hoạch chi tiết 3 điểm có tiềm năng phát triển du lịch: Bãi tình (xã Thanh Long), Nặm Ngùa (xã Ngọc Động), Lũng Luông (xã Lũng Nặm). Lập kế hoạch, phối hợp khảo sát Động Tiên (xã Lũng Nặm), hang Én (xã Mã Ba), động Bó Ngẳm (xã Cần Yên). Tiếp tục đầu tư, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa đã xuống cấp và các điểm di sản văn hóa công viên địa chất trên địa bàn.

Hỗ trợ bảo tồn, gìn giữ nhà sàn truyền thống tại một số điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng 2 - 3 mô hình homestay gắn với phát triển nông nghiệp sinh kế tại các xóm: Lũng Luông (xã Lũng Nặm), Nà Mạ, Bản Hoong (xã Trường Hà), Bản Gải (xã Cần Yên), Nặm Ngùa (xã Ngọc Động). Duy trì, phát triển Lễ hội Về nguồn Pác Bó, Hội thi bò xuân, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông...; phát triển mới làng nghề làm giấy dó xóm Lũng Quang (thị trấn Thông Nông).

Duy trì, phát triển Chi hội Bảo tồn dân ca huyện, 100% xã, thị trấn có đội văn nghệ quần chúng phục vụ du khách, đặc biệt tại các khu, điểm du lịch. Mỗi năm mở ít nhất 1 - 2 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch gắn với truyền dạy các làn điệu dân ca hát Then, đàn tính... phục vụ du khách và các sự kiện văn hóa.

Phối hợp với ngành du lịch tỉnh, các công ty lữ hành du lịch xây dựng các tour, tuyến du lịch 2 chiều kết nối với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, đến các điểm di tích lịch sử, văn hóa, di sản văn hóa công viên địa chất, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, với các khu, điểm du lịch các huyện miền Đông, miền Tây và Thành phố. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển dịch vụ du lịch, chỉnh trang đô thị đối với thị trấn Xuân Hòa, thị trấn Thông Nông và những điểm có tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch.


Du khách tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng).

Năm 2021, Đảng bộ huyện chỉ đạo các chi bộ, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng chương trình hành động sát với thực tiễn của địa phương; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia phát triển dịch vụ, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây mới các điểm có tiềm năng phát triển du lịch; phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện trực tiếp quán triệt, triển khai nghị quyết đến các chi bộ. Duy trì, phát triển các điểm di tích lịch sử, di sản văn hóa, công viên địa chất, danh lam thắng cảnh.

Nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn. Tăng cường quảng bá, kêu gọi, thu hút đầu tư, huy động tối đa nguồn lực để phát triển du lịch. Tập trung huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch đồng bộ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, việc làm theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, du lịch, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

 

Xuân Lam(baocaobang.vn)