Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tổng kết mô hình chăn nuôi lợn thịt giống lợn Hương, lợn Táp Ná tại xã Ngọc Đào
Ngày 30/11 Trung tâm khuyến nông và giống nông lâm nghiệp Tỉnh Cao Bằng phối hợp với UBND xã Ngọc Đào huyện Hà Quảng tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá mô hình chăn nuôi lợn thịt giống lợn Hương, lợn Táp Ná năm 2022. Tham dự Hội nghị gồm có đại diện Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hà Quảng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hà Quảng, đại diện lãnh đạo UBND và bà con nông dân xã Ngọc Đào và các hộ tham gia mô hình.

Toàn cảnh hội nghị tổng kết mô hình chăn nuôi lợn thịt giống lợn Hương, lợn Táp Ná tại xã Ngọc Đào

Giống lợn Hương, lợn Táp Ná là giống lợn bản địa quý của tỉnh Cao Bằng, có chất lượng thịt thơm ngon. Tuy nhiên người dân vẫn chăn nuôi theo phương thức cũ, thức ăn cho lợn chưa đảm bảo đủ dinh dưỡng, chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn sinh học vì vậy năng suất, hiệu quả chăn nuôi còn thấp. Nhằm giúp các hộ nông dân nâng cao sinh kế, ổn định cuộc sống, năm 2022 Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng đã lựa chọn xã Ngọc Đào làm điểm triển khai thực hiện mô hình “Chăn nuôi lợn thịt giống Lợn Hương, Lợn Táp Ná” thuộc dự án " Xây dựng mô hình chăn nuôi Lợn Hương, Lợn Táp Ná để nâng cao sinh kế cho đồng bào dân tộc miền Núi" giai đoạn 2020 – 2022.

Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 4/2022 tại xã Ngọc Đào là một xã có lợi thế là một xã thuần nông, người dân có điều kiện và trình độ sản xuất. Mô hình được triển khai với quy mô 10 hộ tham gia, tổng số con lợn giống được hỗ trợ 100 con. Tham gia mô hình người dân được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, vaxcin... Sau 8 tháng triển khai, Mô hình được đánh giá phù hợp với điều kiện của địa phương, lợn khỏe mạnh, phát triển đều, lợn thịt tỷ lệ mỡ cao nhưng thịt thơm ngon đặc trưng được thị trường ưa chuộng; Khối lượng trung bình từ 64kg/con- 78kg/con. Khối lượng xuất chuồng bình quân đạt 70kg/con, khả năng tăng khối lượng là 332 gam/con/ngày. Lợn Táp ná nuôi thịt được chăn nuôi bằng thức ăn chất lượng, theo quy trình đảm bảo nên khả năng tăng trọng cao hơn,có khối lượng xuất chuồng cao hơn so với lợn nuôi theo kiểu truyền thống, hứa hẹn  sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ tham gia.

Phát biểu tại Hội nghị, Bà Tô Thị Hải Châu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống Nông lâm nghiệp nhấn mạnh: “Giống lợn Hương, lợn Táp Ná có chất lượng thịt thơm ngon,phù hợp với thị hiếu, được người tiêu dùng rất ưa chuộng, giá bán cao hơn so với lợn lai, đầu ra ổn định. Tuy nhiên, để việc nhân rộng dự án được bền vững, có hiệu quả thì cần có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn tuyên truyền sâu rộng trong công tác phòng chống dịch bệnh kết hợp chăn nuôi an toàn sinh học nhằm nâng cao ý thức của toàn thể các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Mặt khác, đề nghị các hộ tham gia mô hình tiếp tục áp dụng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn, chăm sóc nuôi dưỡng đàn lợn Hương để đảm bảo đạt được kết quả của mô hình”.

Từ hiệu quả bước đầu mô chăn nuôi lợn thịt giống lợn Hương, lợn Táp Ná tại xã Ngọc Đào sẽ  góp phần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn thịt có chất lượng, tăng thu nhập cho nông dân. Giúp người chăn nuôi tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật về công tác giống, chăm sóc nuôi dưỡng. Đồng thời, góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi, từ chăn nuôi dàn trải manh mún sang chăn nuôi có ứng dụng quy trình kỹ thuật, chăn nuôi có đầu tư thâm canh quy mô hộ gia đình, có hiệu quả cao, hướng đến nhân rộng mô hình ra địa bàn tạo nên một nghề có tính bền vững, khai thác tốt thế mạnh để phát triển đàn gia súc một cách ổn định, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
 
Các đại biểu thăm mô hình chăn nuôi lợn thịt của hộ gia đình Nguyễn Văn Liêu xóm Bản Chá, xã Ngọc Đào
 
Trước đó các đại biểu cũng đã được đến thăm quan mô hình tại hộ gia đình Nguyễn Văn Liêu xóm Bản Chá, xã Ngọc Đào. Tại đây, các đại biểu đã được nghe chủ hộ chia sẻ về quá trình thực hiện mô hình, những kinh nghiệm trong công tác chăm sóc- nuôi dưỡng và phòng trừ dịch bệnh để đảm bảo an toàn cho đàn lợn.
Đàm Ngôi – Thu Hương(Trung tâm VH&TT)