Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 12
  • Hôm nay: 861
  • Trong tuần: 16 481
  • Tháng hiện tại: 69 516
  • Tổng lượt truy cập: 2061968
Đăng nhập
Nâng cao hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội giảm nghèo bền vững

Từ chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo bền vững, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Hà Quảng chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai theo đúng quy định. Qua đó, các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới được đảm bảo an sinh xã hội và tiếp cận nguồn lực sinh kế vươn lên thoát nghèo.

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hà Quảng Nông Văn Thuận cho biết: Phòng tham mưu UBND huyện ban hành các kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn UBND xã rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để đánh giá thực trạng. Từ đó, phân loại trình tự, thủ tục hỗ trợ hộ nghèo, tham mưu xây dựng các nhiệm vụ, kế hoạch triển khai chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường xuyên, đảm bảo diện hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều và thiết thực với hộ nghèo. 

Năm 2022, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát và phát 45.589 thẻ bảo hiểm y tế, năm 2023 phát 40.807 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số. Hằng năm, ban hành quyết định tăng, giảm thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn gồm: thẻ bảo trợ, bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đối tượng hoạt động kháng chiến, người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng…

Từ năm 2022 đến nay, đào tạo nghề nông nghiệp và dịch vụ cho 520 lao động; giới thiệu và tạo việc làm cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho hơn 1.200 lao động, vượt 15% kế hoạch. Đưa 20 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nâng tổng số lao động đang làm việc ở ngoài nước lên 70 lao động. 46% lao động qua đào tạo, đạt 92% kế hoạch; 20% đào tạo nghề có chứng chỉ, đạt 69% kế hoạch. Giải quyết việc làm cho 1.620 lao động, vượt 62% KH. Chính sách trợ giúp đối với đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng.  

 

 

Chị em phụ nữ xóm Nà Giảo, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) chia sẻ kinh nghiệm vay vốn tín dụng chính sách hộ nghèo phát triển mô hình trồng nấm rơm.
Chị em phụ nữ xóm Nà Giảo, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) chia sẻ kinh nghiệm vay vốn tín dụng
chính sách hộ nghèo phát triển mô hình trồng nấm rơm.

Chủ tịch UBND xã Cần Yên Đỗ Thế Giáp cho biết: Là xã biên giới đặc biệt khó khăn, dân số chủ yếu là đồng bào DTTS ở lẻ trên núi, hộ nghèo chiếm trên 46%. Vì vậy, UBND xã bám sát chỉ đạo của cấp trên tích cực triển khai công tác giảm nghèo đa chiều. Xã rà soát hộ nghèo, đối tượng được thụ hưởng nên người dân thuộc diện hộ nghèo đều được phát thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh; khi có các đoàn từ thiện đến khám, chữa bệnh, hỗ trợ vật chất, nguồn lực đều ưu tiên cho hộ nghèo. Hộ nghèo ở nhà tạm, nhà dột nát do xóm đề xuất được xã hỗ trợ tiền, huy động ngày công của người dân, tổ chức, đơn vị, địa phương đến giúp. Hộ nghèo vùng núi cao điều kiện canh tác khó khăn được hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt, đầu tư công trình nước sạch, điện lưới quốc gia, mạng Internet, phủ sóng dịch vụ viễn thông, hỗ trợ sản xuất… để tiếp cận với dịch vụ thiết yếu cơ bản nên đời sống bà con từng bước được cải thiện, góp phần giảm hộ nghèo từ 3 - 4%/năm. 

Thực hiện Chương trình tín dụng chính sách xã hội cho hộ nghèo, năm 2022 tạo điều kiện cho 394 hộ nghèo vay 26,4 tỷ đồng; năm 2023 đạt trên 26,1 tỷ đồng/494 lượt hộ nghèo. Năm 2022 - 2023, 110 lượt hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay trên 7,6 tỷ đồng; học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình đều được vay vốn ưu đãi; cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia việc làm có 519 lượt lao động được vay vốn 42,1 tỷ đồng; 151 lượt hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn vay 7 tỷ đồng.

Chị Hà Thị Thời, xóm Nà Giảo, xã Ngọc Đào chia sẻ: Sau khi đi học tập mô hình trồng nấm rơm và chăn nuôi lợn, gia đình tôi vay hơn 20 triệu đồng vốn tín dụng chính sách đầu tư phát triển mô hình sinh kế phù hợp. Hiện nay, mỗi vụ thu hoạch nấm bán ra thị trường được 40 triệu đồng; chăn nuôi lợn trên 20 triệu đồng/lứa xuất chuồng. Duy trì mô hình này, gia đình tôi vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ổn định.

Cùng với triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể huyện kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, đơn vị, tập thể, nhà hảo tâm, cơ quan trong và ngoài tỉnh ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho Quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng nông thôn mới, các chương trình từ thiện tặng quà, khám, chữa bệnh miễn phí cho hộ nghèo, xây dựng trường, lớp học, tặng học bổng cho học sinh nghèo... 

Để tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo thường xuyên, bảo trợ xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện bám sát chỉ đạo của các cấp, ngành chức năng, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các nội dung chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường xuyên, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận với các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tích cực tuyên truyền, vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”… tăng thêm nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo. Tạo điều kiện cho các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, được đào tạo nghề để phát triển các mô hình sinh kế, có cơ hội tìm việc làm để từng bước vươn lên giảm nghèo bền vững.                         

Trường Hà (baocaobang.vn)