Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
“Ẩn số” kho trầm tích văn hóa người Nùng Vẻn duy nhất ở Cao Bằng
Kỳ cuối: Hướng bảo tồn và phát huy văn hóa người Nùng Vẻn Người Nùng Vẻn ở xóm Cả Tiểng, xã Nội Thôn (Hà Quảng) luôn đi đầu trong mọi phong trào, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống ngày càng phát triển. Tuy nhiên, cùng với đó nhiều nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc đang đứng trước nguy cơ mai một cần có những giải pháp bảo tồn và phát huy hiệu quả.
Tại xóm Cả Tiểng chỉ còn người cao tuổi sử dụng trang phục truyền thống Nùng Vẻn trong đời sống hằng ngày.

Tại xóm Cả Tiểng chỉ còn người cao tuổi sử dụng trang phục truyền thống Nùng Vẻn trong đời sống hằng ngày.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho xóm vùng cao Cả Tiểng thực sự phát huy hiệu quả. Hạ tầng cơ sở thiết yếu, như: điện, đường, nhà văn hóa, trường học…, được đầu tư khang trang, đồng bộ. Quan trọng nhất là ý thức lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình của bà con ngày càng nâng cao. Mặc dù hộ nghèo, cận nghèo của xóm vẫn còn cao (trên 50%) nhưng nhân dân trong xóm đã và đang nỗ lực phấn đấu tiếp tục giảm nghèo trong giai đoạn tới.

Những giải pháp, nỗ lực, đầu tư nâng cao đời sống, dân trí, hạ tầng kỹ thuật đã có, nhưng quá trình giao thoa văn hóa với các dân tộc anh em khác xung quang khu vực sinh sống cũng như sự chi phối tác động từ các nền văn hóa khác ảnh hưởng tới những nét văn hóa. Văn hóa giàu bản sắc của người Nùng Vẻn đang đứng trước nguy cơ mai một rất nhanh và mạnh.

Ông Hoàng Ngọc Quý, 58 tuổi, xóm Cả Tiểng chia sẻ: Lớp trẻ hiện nay hầu như không còn mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Những làn điệu dân ca cũng không còn vang vọng; các nghề thủ công truyền thống thể hiện trình độ, sự khéo và thẩm mỹ của người Nùng Vẻn trong đan lát, dệt… cũng không còn duy trì. Những ngôi nhà sàn nối dài truyền thống bị thay bằng nhà xây cấp 4, nhà tầng… Những người lớn tuổi như chúng tôi muốn trao truyền lại cho con, cháu những nét văn hóa truyền thống của dân tộc nhưng thế hệ trẻ không quan tâm, tìm hiểu.

Các phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nét đẹp ấy thôi thúc mỗi chúng ta tìm về cội nguồn của mình một cách tận tâm, tận ý; xuất phát từ nhu cầu chính đáng của toàn xã hội phải làm sao gìn giữ nó. Mỗi dòng họ, tộc người đều có một nét văn hóa độc đáo riêng, khơi dậy và bảo tồn, duy trì được những nét văn hóa ấy thì bản sắc văn hóa Việt Nam càng được sâu sắc và bền vững. Vì vậy việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống là một vấn đề quan trọng, nhất là nhóm dân tộc Nùng Vẻn hiện chỉ còn duy nhất sống tại Hà Quảng.

Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống người Nùng Vẻn nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung đòi hỏi cần phải có những chính sách bảo tồn và phát huy phù hợp. Theo đồng chí Vương Văn Thảo, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Quảng, người Nùng Vẻn có một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ chưa được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đề cập trong các công trình nghiên cứu và sưu tầm. Đồng thời, cũng chưa được công nhận chính thức là thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít để được hưởng những chính sách ưu tiên cho dân tộc thiểu số ít người như dân tộc Lô Lô ở 2 huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc hiện nay. Do đó, những năm qua, người Nùng Vẻn tại Cả Tiểng vẫn đang được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ như với nhóm các dân tộc thiểu số trên địa bàn, chưa có chế độ ưu tiên hơn như với người dân tộc thiểu số rất ít người.


Đường làng, ngõ xóm Cả Tiểng được bê tông hóa mang lại diện mạo đổi thay cho xóm người Nùng Vẻn.

Thực tế nền văn hóa người Nùng Vẻn vẫn trong tình trạng bị đồng hóa trước những nền văn hóa dân tộc khác trong cộng đồng, do vậy rất cần có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia tâm huyết và những chính sách hiệu quả. Để hạn chế những sự mất mát và mai một đáng tiếc các di sản văn hóa đặc sắc của người Nùng Vẻn, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng liên quan của huyện, tỉnh cần có biện pháp bảo tồn và phát huy kịp thời với chiến lược, giải pháp cụ thể, như: Nghiên cứu, sưu tầm, thực hiện các công trình nghiên cứu toàn diện về nhóm người Nùng Vẻn tại Cả Tiểng để có đánh giá, nhận định luận cứ khoa học công nhận người Nùng Vẻn thuộc dân tộc thiểu số rất ít người; rà soát thống kê văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc Nùng Vẻn một cách đầy đủ; có chính sách đầu tư thỏa đáng cho các chương trình, dự án nghiên cứu bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa người Nùng Vẻn. Đặc biệt là đầu tư cho công tác sưu tầm, nghiên cứu các di sản giàu tính nhân văn và mang đậm bản sắc của dân tộc Nùng Vẻn. Có chính sách khuyến khích các nghệ nhân, cử cán bộ xuống cơ sở khảo sát, ghi chép, xây dựng kế hoạch mở lớp để các nghệ nhân truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ để bảo tồn được tốt hơn. Có chính sách ưu đãi và tạo điều kiện cho con em dân tộc Nùng Vẻn được học tập tại các trường đại học, cao đẳng theo chế độ cử tuyển của Nhà nước.

Cần phát huy sức mạnh cộng đồng người Nùng Vẻn, đó là sự liên kết giữa các thành viên trong tộc người, quan hệ họ hàng cũng như các mối liên kết khác được hình thành từ trong quá trình lịch sử. Quy hoạch xây dựng lại xóm Cả Tiểng theo cấu trúc không gian làng, bản truyền thống của người Nùng Vẻn cổ xưa; phục dựng các lễ hội quan trọng, như lễ ăn cơm mới, rước hồn lúa và mừng nhà mới… tạo thành một sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế địa phương từ nền tảng truyền thống người Nùng Vẻn, thích ứng với sự phát triển chung của đời sống, xã hội trong thời kỳ mới.                

 

 

Xuân Lam (baocaobang.vn)