Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Mái trường thân yêu
Tôi là một trong số học sinh có thời gian khá dài ngồi trên ghế Trường THPT Nà Giàng (Hà Quảng). Năm 1965, tôi đi 3 km lên Bản Chá học lớp vỡ lòng, nhờ phòng học của lớp 9, lớp 10 Trường cấp 2 - 3 Nà Giàng sơ tán ở hang Ðông Sâu, đối diện bên kia Roỏng Bả - Nà Lạn.

Tác giả (thứ 3 từ trái sang) và Trung tướng Đàm Đình Trại, Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại và các thế hệ học sinh trong ngày kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Trường THPT Nà Giàng (Hà Quảng).

Lớp học tranh tre, mái lá, vách đất đơn sơ nằm dưới rừng cây sau sau, được bao quanh bởi hệ thống giao thông hào ngang dọc, len lỏi vào tận trong núi để phòng tránh máy bay địch. Nỗi khổ của một thời đất nước bị chiến tranh, trẻ em đi học cũng phải thấp thỏm lo âu, sợ hãi. Chợ Nà Giàng sơ tán lên họp ở Lũng Đuốc phía sau trường học. Mẹ tôi mua cho cái mũ cọ đội đầu, màu cọ trắng nên phải lấy chàm bôi đen loang lổ. Năm 1966 học cấp 1 lại chuyển xuống Slam Kha.

Đến năm 1970 lên cấp 2 lại trở về Bản Chá, Trường cấp 2 - 3 Nà Giàng do thầy giáo Tô Vũ Cư, quê xã Vĩnh Quang (Hòa An) làm hiệu trưởng. Thầy là một nhà giáo kỳ cựu, nghiêm khắc nhưng rất thương yêu học sinh, nhà tôi nghèo nên thường được xem xét miễn giảm học phí. Các thầy đa số từ dưới xuôi lên, thầy Lời, thầy Quang, thầy Sủng, thầy Bính, thầy Đặng Đình Đại… là giáo viên cấp 3 nhưng dạy chúng tôi từ lớp 5. Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn trăm bề nhưng các thầy ai cũng nhiệt tình, tận tụy, hết mực thương yêu học trò. Thầy Đại (người Hà Nội) mỗi giờ vào lớp thường bắt đầu bằng câu "Thầy chào các em, các em ngồi xuống", rất trịnh trọng và lịch thiệp…

Chúng tôi học từ các thầy không chỉ là kiến thức bộ môn mà cả phong cách giao tiếp và ứng xử văn hóa. Thời ấy đi học thật là háo hức, bởi vỡ vạc được bao điều mới lạ; nói như bây giờ thì "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" nên nhóm chúng tôi mỗi ngày phải đi về 6 km, chân dép lốp, quần áo phong phanh mà không bỏ buổi học nào. Cũng phải nói là nhờ có thầy Tụ (quê Nghệ An về sống ở Nà Giàng) một người ham học và luôn động viên, khuyến khích chúng tôi: "Càng nghèo khó thì càng phải cố gắng học hành, các em hãy nhớ rằng có chí thì nên"… Bản thân thầy là giáo viên Văn cấp 2, nhưng nhờ tự học mà có kiến thức sâu rộng cả Văn, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa, Sinh, chúng tôi vướng gì đều hỏi thầy và được thầy chỉ bảo cặn kẽ.

Học hết cấp 2, lớp chúng tôi chỉ còn hơn 10 người lên lớp 8, nhiều người hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học, một số lớn tuổi đi học trung cấp chuyên nghiệp, một số thì bị lưu ban. Nhưng vì cấp 3 Nà Giàng tuyển sinh toàn huyện và các xã phía Bắc huyện Hòa An nên khóa lớp 8 năm 1973 vẫn có 2 lớp 8A, 8B với 80 học sinh. Năm ấy nhà trường tiếp nhận một số giáo viên mới, thầy Dũng, cô Mịch, cô Nhâm (là người địa phương), cô Minh ở miền xuôi lên vui tính, cởi mở hay kể chuyện văn nghệ, thể thao, đặc biệt là Giải bóng đá thế giới World Cup 1974 diễn ra ở tận Tây Đức. Lúc bấy giờ thông tin còn ít nên chúng tôi rất thích, cứ mong đến giờ dạy của cô để nghe thời sự trong nước, quốc tế, lần đầu tiên chúng tôi biết đến những danh thủ bóng đá thế giới Pê Lê, Bêch-ken-bau-ơ, Cruip, La-tô, Lep-ya-sin… là nhờ thầy Bính, cô Minh, những thông tin ngoại khóa không có trong chương trình giảng dạy.

Cũng năm ấy, các lớp cấp 2 tách ra sang địa điểm mới, sân trường có vẻ im vắng hơn. Nhưng bù lại những học sinh cấp 3 ở xa về trọ ở ký túc xá, bếp ăn liền với bếp tập thể của cán bộ, giáo viên, nhiều hôm thầy trò cùng nấu ăn chung, vừa để tiết kiệm củi, nước, vừa đỡ mất thời gian chờ đợi. Trong hoàn cảnh khó khăn, tình nghĩa thầy trò càng thêm gắn bó, cảm thông, sẻ chia, đồng cam cộng khổ. Tôi còn nhớ thầy Vũ Đình Minh đã từng viết: "Thắm lòng tôi những khuôn mặt trẻ thơ/Mỗi sớm dậy mưa nhòa đèo Khau Cút/Các em tôi đang bước lầy, bước thụt/Tôi ra vào như người thừa chân tay". Những câu thơ đã nói lên tâm trạng day dứt và tấm lòng thương yêu của các thầy, cô giáo dành cho học sinh.

Sau này, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường, tôi may mắn được cùng anh Trần Quang Nghĩa và Đài Truyền hình Hà Nội đưa thầy về thăm trường cũ để làm phim chân dung, ba thầy trò lên đồi Bản Chá, ngồi bên gốc cây phượng vỹ nơi ngày xưa là dãy nhà giáo viên, nhìn sang đèo Khau Cút rất gần. Năm 2001, thầy Minh là Trưởng Ban Văn nghệ Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, tôi là Trưởng Ban Biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng, cùng nhau đi liên hoan truyền hình toàn quốc ở Nha Trang. Đêm tản bộ theo bãi biển rì rào sóng vỗ, thầy trò chia sẻ với nhau những điều tâm huyết và ấp ủ đề tài, hứa hẹn cho liên hoan lần sau... Đối với tôi thầy mãi mãi là người thầy đáng kính.

Anh Trần Quang Nghĩa cũng là học sinh Trường Nà Giàng, anh đi bộ đội năm 1968, giải phóng miền Nam mới trở về học Trường Đại học Tổng hợp, ra trường làm phóng viên, biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội. Năm 1976, nghe tin tôi thi đỗ Trường Đại học Tổng hợp mà cả tháng sau không thấy đến trường, anh vội vàng về quê, hóa ra tôi đang ốm nằm điều trị ở bệnh viện, anh vào thăm rồi sốt sắng đề nghị làm thủ tục ra viện để anh đưa xuống trường.

Năm 1974, chúng tôi đang học lớp 9 thì tin vui thắng trận ở khắp chiến trường miền Nam dồn dập báo về, không khí trường học trở nên sôi động bởi công tác tuyển quân. Ngay đợt đầu tiên lớp 9A của tôi tiễn đưa 5 anh em lên đường nhập ngũ, đợt cuối năm lại thêm 3 anh em đi tiếp, cả lớp xôn xao người đi, người ở bịn rịn những cuộc chia tay náo nức nhưng vẫn mang nặng trong lòng cảm giác bâng khuâng, thầm lặng nỗi buồn… Mỗi lần như thế chúng tôi cùng nhau hát vang bài ca "Tổ quốc kêu gọi đàn con ra đi/Nô nức lên đường gian khó sá chi/Đẹp vô ngần tuổi xuân anh hùng/Đi giải phóng giữ quê hương"… Bài hát mà thầy Sủng, thầy Đại đã dạy chúng tôi từ năm học cấp 2. Nhóm chúng tôi nhanh chóng chép lại truyền tay nhau hát như để tự trấn an mình nhưng cũng là để động viên anh em yên tâm lên đường thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đầu năm 1975 đang học lớp 10 lại có thêm một đợt tuyển quân mới, đợt này đông hơn và cũng gấp rút hơn, có bạn sinh năm 1958 (còn thiếu một tuổi) cũng xung phong đi đợt này. Cả lớp vắng đi gần một nửa, cán bộ lớp cũng thiếu hụt, không khí lớp học trùng xuống, tôi là lớp phó học tập được giao làm lớp trưởng, lớp 10 dồn lại thành một lớp, sĩ số lúc này chỉ còn 40 học sinh. Sau ba năm đã giảm đi một nửa so với đầu vào lớp 8.

Thầy Triệu Xuân Long chủ nhiệm tuần nào cũng lên lớp chấn chỉnh: "Dù thế nào các em cũng phải tập trung tư tưởng, cố gắng học tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp". Thầy Cư hiệu trưởng và các thầy, cô giáo chủ nhiệm bộ môn đều tăng giờ phụ đạo học vào buổi chiều và ngày Chủ nhật. Tất cả đều lo cho kết quả học tập của chúng tôi, lo cho làm sao vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp rồi thi đại học. Sau này tôi mới hiểu ý thức, trách nhiệm cao cả và sự quan tâm, lo lắng của các thầy, cô giáo dành cho học sinh cuối cấp như người đưa đò sang sông gần cập đến bến, mong chờ và hy vọng học trò của mình không ai bị rớt lại.

Năm 1976 là năm đầu tiên đất nước hòa bình, thống nhất, cả nước trở lại tổ chức thi đại học theo quy chế quốc gia (mấy năm trước còn xét tuyển). Chỉ riêng việc chọn thi khối (A, B, C), vào trường nào? là cả một vấn đề khó khăn, bỡ ngỡ, không chỉ dựa theo sở thích mà còn phải xem kỹ chỉ tiêu tuyển dụng và năng lực của chính mình, có lẽ vì thế mới có câu "học tài thi phận". Chúng tôi động viên nhau: Đỗ tú tài rồi cũng phải thử sức thi cử nhân lấy một lần, mặc cho ai nói: "Cổng trường đại học cao vời vợi/Xa tầm tay với lắm anh ơi!". Cả lớp quyết tâm đăng ký 100% thi đại học. Đấy cũng là một kỳ thi suôn sẻ và thành công của học sinh Trường Phổ thông cấp 3 Nà Giàng với kết quả 10/40 người đỗ đại học, còn lại đều đủ điểm vào học các trường cao đẳng và trung cấp.. .

Nhìn lại 46 sau ngày ra trường, khóa học chúng tôi năm ấy đa số sau này đều trở thành cán bộ, công chức, viên chức, gần nửa là ngành giáo dục, nhiều vị là lãnh đạo cấp tỉnh, cấp ngành, cấp huyện; là sĩ quan trung cao cấp Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, 2 người là liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, các thầy, cô giáo nhiều người đã đi xa, người sống trong Nam, ngoài Bắc, bạn học cùng lớp từ ngày chia tay có người chưa một lần gặp lại nhưng tình bạn và nỗi nhớ vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí… Cái thuở học trò trong trắng, vô tư và kỷ niệm mái trường thân yêu mãi mãi sẽ không bao giờ quên.

 
Lã Vinh (baocaobang.vn)