Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Mái trường xưa yêu dấu
Tôi là người con sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, xã Đào Ngạn (cũ), huyện Hà Quảng là một đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Năm 1962, tôi và các bạn cùng trang lứa rất vinh dự, phấn khởi trở thành lớp học sinh đầu tiên của Trường Phổ thông cấp 2 - 3 Bản Chá, sau đổi tên là Trường Phổ thông cấp 2 - 3 Nà Giàng, bây giờ là Trường THPT Nà Giàng, ngôi trường cấp 2 - 3 đầu tiên của huyện Hà Quảng, là một trong 4 trường cấp 3 đầu tiên của tỉnh Cao Bằng lúc bấy giờ. Đã gần 60 năm trôi qua, giờ nhắc lại thấy vẫn trào dâng niềm tự hào khó diễn tả thành lời.

Trung tướng Đàm Đình Trại thăm Trường THPT Nà Giàng ngày 20/11/2018.

Ngôi trường nằm trên một ngọn đồi thấp, được san bằng thành 3 bậc tam cấp với 3 dãy nhà đơn sơ, mái tranh vách đất. Dãy nhà chính gồm 20 gian, chia làm 10 lớp học, quay về hướng Tây, ở giữa là sân chơi, chào cờ hằng tuần. Bậc tam cấp thứ 3 là dãy nhà của thầy cô, mặt trước hướng Tây, buổi sáng, ngóng nhìn học sinh Đào Ngạn vượt đèo, đội mây xuống dốc hối hả đến trường. Các thầy cô có một nửa từ miền xuôi lên, học sinh chúng tôi từ các xóm, xã thuộc huyện Hà Quảng và 2 xã Dân Chủ, Nam Tuấn (Hòa An). Trường được xây dựng từ nguồn ngân sách địa phương và huy động công sức của gia đình học sinh. Do có nhiều khó khăn, đã gần ngày khai giảng nhưng các hạng mục công trình chưa được hoàn thành đồng bộ. Năm đầu tiên, khai giảng khóa học rồi nhưng một số hạng mục trong lớp vẫn chưa hoàn chỉnh nên chúng tôi vừa học, vừa củng cố trường lớp. Thời chúng tôi chỉ học buổi sáng, tuần có một buổi lao động vào chiều thứ Năm, học sinh ở xa phải nắm cơm mang theo, tan học cùng nhau ăn cơm nắm, cơm xong, thầy trò lại háo hức lao động củng cố trường lớp.

Tôi nhớ bố của anh Thơm (anh Thơm là bạn học với tôi) làm thợ cả nghề mộc, được giao trách nhiệm xây dựng trường lớp ngay từ những buổi ban đầu. Hàng trăm, hàng nghìn công đóng góp của phụ huynh học sinh, cùng thầy trò đã xây dựng nên Trường cấp 2, 3 Bản Chá “bề thế”, “khang trang” ở thời điểm năm 1962. Hãnh diện biết bao, tự hào biết mấy khi được học tập trong lớp học có mình góp sức dựng lên.

Tôi nhớ hình ảnh các thầy, cô giáo từ xuôi lên, chưa quen lối sống ở vùng miền núi, vật chất thiếu thốn, khó khăn  chồng chất nhưng các thầy cô rất chia sẻ và yêu thương học trò, tận tâm, tận tụy truyền dạy kiến thức cho chúng tôi. Dòng thời gian trôi nhanh, mới đó mà đã 60 năm, tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt nghiêm khắc nhưng khi cười lại rất thân thiện của thầy Tô Vũ Cư. Bên tôi như vẫn văng vẳng giọng giảng văn ấm áp, truyền cảm, chan chứa tình thương của thầy Nguyễn Thái Vận. Những định luật vật lý của thầy Đinh Phú Thịnh như vẫn còn nguyên trên cái bảng đen ghép bằng ván xẻ đã được bào nhẵn nhưng vẫn có khe hở. Tôi xúc động mỗi khi nhớ đến thầy Vũ Đình Minh với bài thơ “Ý nghĩ ngày mưa”, vì bài thơ ấy thầy viết riêng cho học trò Đào Ngạn chúng tôi với một tình yêu thương không thể đong đếm. “... Ở núi rừng ngày mưa rất dai/Hạt mưa đập mái tranh nghe bứt rứt,/Tôi tựa cửa đếm từng em một/Đang xuống đèo thấp thoáng khoảng rừng thưa/Trống đánh bảy giờ vào lớp lúc đang mưa/Tôi lên lớp áo em nào cũng ướt,/Mái tóc lấm, giở từng trang bài học/Tôi biết tôi không thể nói những lời thừa…”

Cứ thế, dưới các lớp học thô sơ, mộc mạc ấy, các thầy cô hăng say truyền dạy kiến thức cho chúng tôi, chắp cánh ước mơ cho chúng tôi. Học trò cũng quyết tâm vượt khó, say mê học tập với mong muốn sau này góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Từ những bài học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, chúng tôi ngày một lớn lên.

Và rồi, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ diễn ra ngày càng ác liệt, những bài học của các thầy cô về tấm gương yêu nước, sẵn sàng xả thân vì đất nước như “Em bé đuốc sống Lê Văn Tám”, anh hùng Nguyễn Văn Trỗi với lời hô đanh thép trước mũi súng của kẻ thù,... khơi dậy lòng yêu nước thiết tha, đã thắp sáng trong chúng tôi một ý chí,  quyết tâm được đóng góp sức mình trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ mà hào hùng của dân tộc.

Từ tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, trong khí thế hào hùng của tuổi trẻ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, tôi xung phong đăng ký khám tuyển và đủ sức khỏe nhập ngũ đợt đầu tiên của trường tháng 2/1965. Cuộc đời binh nghiệp của tôi gắn liền với quân đội, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi luôn giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì do tổ chức phân công và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với 46 năm công tác liên tục trong quân đội, đến tuổi 62, tôi được Đảng, quân đội cho nghỉ hưu.

Bạn bè cùng trang lứa và các thế hệ học sinh của trường tiếp tục lên đường tòng quân. Trong chiến tranh không sao tránh khỏi tổn thất, trong số bạn bè của tôi có người đã anh dũng hy sinh ở chiến trường, người còn sống hoàn thành nhiệm vụ trở về nhưng trong mình đầy thương tích, có người bỏ một phần xương máu nơi chiến trận. Kết thúc chiến tranh, có người trở về quê nơi mình sinh ra, có người cư trú ở nơi khác, nhưng dù ở đâu chúng tôi luôn hướng về quê hương yêu dấu, về mái trường thân yêu và các thầy cô giáo. Và giờ đây tất cả vẫn vẹn nguyên trong trái tim tôi.
Năm 2018, tôi có dịp về thăm trường, trong tôi trào dâng những cảm xúc thật khó tả, bồi hồi, xao xuyến xen lẫn tự hào về ngôi trường một thời gắn bó. Dịp này, tôi được gặp lại thầy giáo Đàm Thơ (nguyên Hiệu trưởng nhà trường) và một số bạn học cùng hàn huyên về những kỷ niệm thời học trò, trong số bạn bè cùng trang lứa có anh Nông Thế Cừ (nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội khóa XI, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng); anh Nguyễn Khoa Trường được cử sang Liên Xô học, sau đó công tác ở Đoàn Địa chất 118 Thái Nguyên, nay gia đình anh ở phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên.

60 năm xây dựng và phát triển, tôi vô cùng tự hào về mái trường xưa yêu dấu, từ ngôi trường cột gỗ, vách đất, lợp cỏ tranh, bàn ghế không đồng bộ ngày nào, giờ đây trường được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ngôi trường và những người thầy ở đó đã vượt khó đi lên, đào tạo ra biết bao thế hệ học sinh trưởng thành, biết bao cô cậu học trò ngày nào trở thành những người con ưu tú, đã và đang là kỹ sư, bác sĩ giỏi, là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp của Đảng từ địa phương đến Trung ương, có nhiều đóng góp cho đất nước, quê hương. Có học sinh trưởng thành là cán bộ cao cấp, tướng lĩnh trong quân đội và công an.

Kỷ niệm 60 năm thành lập trường, tôi mong rằng các thế hệ thầy trò nhà trường sẽ luôn kế thừa và phát huy truyền thống 60 năm qua, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xứng đáng với niềm tin yêu và mong muốn của nhân dân.

 
Trung tướng Đàm Đình Trại (nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Tư lệnh về chính trị (Chính ủy) Quân khu 1, đại biểu Quốc hội khóa XI, là cựu học sinh khóa 1 (1962 - 1965)  (theo baocaobang.vn)