Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tết Người Nùng Vẻn
Khi những cành đào đua nhau khoe sắc báo hiệu mùa xuân mới đang đến, chúng tôi tìm về xóm Cả Tiểng, xã Nội Thôn (Hà Quảng) - nơi duy nhất hiện nay 100% người dân tộc Nùng Vẻn với 42 hộ, 238 nhân khẩu sinh sống. Rảo bước từ đầu đến cuối xóm, chúng tôi cảm nhận được bầu không khí tươi vui, lắng nghe những tiếng cười nói, chuyện trò rôm rả phát ra từ mỗi căn nhà. Cảm nhận được sự trọng tình, mến khách, khám phá không gian văn hóa giàu bản sắc, trải nghiệm nhịp sống, nét sinh hoạt và hòa mình trong những nghi lễ Tết cổ truyền của người dân nơi đây.
Các bà, các mẹ người Nùng Vẻn, xóm Cả Tiểng, xã Nội Thôn (Hà Quảng) bên bếp lửa nhà sàn truyền thống.

Các bà, các mẹ người Nùng Vẻn, xóm Cả Tiểng, xã Nội Thôn (Hà Quảng) bên bếp lửa nhà sàn truyền thống.

Người NùngVẻn bắt đầu sắm Tết rầm rộ từ ngày 28 tháng Chạp. Vào buổi sáng sớm ngày cuối cùng của năm cũ (30 tháng Chạp) đàn ông vào rừng chặt những cây vầu tốt đường kính khoảng 15 - 20 cm, bóc vỏ để làm chổi. Sau đó các thành viên trong gia đình bắt đầu quét nhà bằng chổi vầu mới; rửa bát hương bàn thờ; xếp thêm những hòn đá đủ kích cỡ, tạo nên vẻ độc đáo của những bức tường rào đá xung quanh nhà. Mổ lợn, gà, vịt, làm các món ăn chuẩn bị bữa cơm tất niên cuối năm và mâm cúng gia tiên đầu tiên trong năm mới.

Ông Hoàng Văn Quý, xóm Cả Tiểng cho biết: Người Nùng Vẻn đặc biệt coi trọng phong tục dán giấy đỏ vào ngày Tết. Đầu tiên là gỡ bỏ giấy cũ, lau rửa bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị giấy mới. Những tờ giấy đỏ năm cũ sau khi gỡ ra được đem đốt chứ không vứt giấy năm cũ ra khu vực xung quanh nhà vì sợ bị gia súc, gia cầm giẫm lên khiến gia đình gặp xui xẻo trong năm mới. Vì vậy, sau khi gỡ xong phải mang giấy cũ ra trước sân đốt để xóa những điều không may mắn trong năm cũ. Ngoài dán giấy đỏ tại bàn thờ chính, người Nùng Vẻn còn dán giấy đỏ ở trên cửa ra vào, cửa sổ, các vật dụng trong nhà, ngoài vườn, quanh ống hương... với mong ước cầu may mắn trong năm mới. Số lượng giấy đỏ dán ở những vị trí khác nhau cũng khác nhau, riêng trên bàn thờ tổ tiên và trên cửa ra vào lúc nào cũng phải dán số lẻ, thường là 3, 5, 7 miếng; còn bàn thờ và vật dụng khác chỉ cần dán 1 miếng.

Tết của người Nùng Vẻn thực sự bắt đầu bằng bữa cơm giải xui chiều 30 tháng Chạp, món ăn chủ yếu là thịt vịt vì người Nùng Vẻn quan niệm thịt vịt sẽ xóa sạch những xui xẻo của năm cũ. Đúng giao thừa mọi nhà đều thắp hương và mở toang cửa để lộc vào nhà và để đón khách tới xông đất. Trên bàn thờ tổ tiên của nguời Nùng Vẻn gồm có bánh chưng, gà thiến luộc, bánh kẹo, thịt lợn, mâm ngũ quả. Các món ăn trong ngày Tết của người Nùng Vẻn rất phong phú, đặc sắc, mang dấu ấn riêng của dân tộc như: bánh chưng gù, bánh khảo, thịt lợn quay mác mật; đặc biệt, chế biến rất nhiều món ăn khô để lâu dài gồm: thịt bò, thịt lợn, thịt trâu treo khô, “phung xoỏng” (lạp xườn) với hương vị đặc trưng rất hấp dẫn. Trong những ngày Tết, các món ngọt (khẩu sli, bánh kẹo, bánh khảo, mứt…) thường được gia chủ mang ra tiếp khách, để khách vừa nhấp chén trà vừa tận hưởng sự ngon ngọt của các món ăn dân dã đậm đà bản sắc dân tộc. 

Sáng sớm ngày đầu tiên trong Tết (mùng 1 Tết), lúc núi rừng, bản làng còn đang chìm trong sương đêm và hơi lạnh, màn đêm vẫn chưa sáng tỏ mặt người thì người Nùng Vẻn ở Cả Tiểng đã thức dậy đón chào năm mới. Trong bếp, bên ánh lửa bập bùng, các mẹ, các chị, em gái Nùng Vẻn hối hả chế biến các món ăn truyền thống để làm lễ dâng tổ tiên. Mọi thành viên khác trong gia đình cũng tất bật với các công việc chuẩn bị cho lễ cúng đầu tiên của năm mới. Quanh xóm nhanh chóng rộn ràng bởi tiếng nói cười, tiếng gọi nhau í ới, tiếng xe máy của người đi đường nối tiếp nhau vang vọng khắp núi rừng. Nghi thức cúng gia tiên diễn ra trong không khí thành kính, trang nghiêm, các thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình hồi cố, tri ân công ơn của các thế hệ đi trước đã có công tạo lập và xây dựng xóm làng. 

Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán tục thờ thổ công của đồng bào Nùng Vẻn có những khác biệt so với cộng đồng người Nùng khác trên địa bàn tỉnh. Thông thường tại các xóm làng người Nùng, các gia đình tự chuẩn bị mâm lễ và cùng mang ra cúng thổ công rồi góp lại ăn chung một bữa theo dòng họ hoặc cả xóm. Tại Cả Tiểng, người Nùng Vẻn thờ cúng thổ công bắt đầu từ sau ngày 20 tháng Chạp. Theo tục lệ, việc cúng tế tại miếu thổ công xóm được diễn ra vào giờ Tý canh ba giao giữa ngày mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán (khoảng 23 giờ đêm mùng 1 đến 1 giờ sáng mùng 2) và phải do một người được cả xóm tin tưởng (cao niên, người uy tín, trưởng xóm…) đến dâng lễ. Theo đồng bào, đây là thời khắc linh thiêng nhất trong ngày, là thời gian quan thổ công bắt đầu “khai ấn” để bước vào một năm làm việc mới. Vì vậy, đi cúng lễ trong thời gian này sẽ được ban nhiều lộc, tài.


Sửa sang, xếp thêm những hòn đá đủ kích cỡ tạo nên vẻ độc đáo của những bức tường rào đá xung quanh nhà đón Tết.

Ngày đầu xuân, người Nùng Vẻn thuờng xuống vườn cuốc đất trồng ngô, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy nhà, lợn đầy chuồng, mọi nguời mạnh khỏe bình an vô sự. Những chàng rể ngày mùng 2 Tết dù ở xa hay gần luôn chu đáo mang theo các lễ vật như các loại bánh, hoa quả, gà thiến để “pây tái” Tết bố mẹ vợ. Người Nùng Vẻn rất mến khách nên có khách đến nhà thì không thể ra khỏi nhà khi chưa uống cạn vài chén rượu chung vui. Gặp nhau đầu năm mới mọi người tươi cười trò chuyện niềm nở, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, chúc thọ người già, mừng tuổi cho trẻ con…

Những điều người Nùng Vẻn kiêng kị trong ba ngày Tết gồm: Không cho người có tang, người xấu tính, người trong gia đình có người xấu bị xã hội, làng xóm chê bai đến nhà mình trong ngày mùng 1. Ngày mùng 2, mùng 3 Tết không được quét rác trong nhà mà chỉ gom lại đến tối mới đem đi đổ; kiêng không được đổ xô bát đĩa, ấm chén; không nói bừa, mất lịch sự, cãi nhau… 

Trưởng xóm Cả Tiểng Hoàng Văn Hạ cho biết: Trước kia, công việc quan trọng nhất của người Nùng Vẻn là chuẩn bị ăn Tết vào rằm tháng Giêng. Tết của người Nùng Vẻn ăn rất to, ròng rã cả tháng, mọi người chỉ ăn, chơi và đi lễ hội lồng tồng. Những năm gần, địa phương quan tâm xây dựng quy ước, hương ước mới tiến bộ, góp phần gìn giữ, bảo lưu những giá trị văn hóa tốt đẹp, giàu bản sắc của người Nùng Vẻn, xóa bỏ những phong tục lạc hậu. Nhờ đó, tinh thần đoàn kết cộng đồng ngày càng chặt chẽ, các tệ nạn, hủ tục được đẩy lùi, người dân phấn khởi xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. 

Đón Tết Nguyên đán năm nay do diễn biến phức tạp và tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, người dân xóm Cả Tiểng có nhiều điểm đổi mới phù hợp với hoàn cảnh hiện tại: Hạn chế tụ tập đông người nên xóm không tổ chức các hoạt động tập trung, quy mô như các năm trước; tự chơi các trò chơi dân gian trên những bãi đất trống trong xóm hoặc bên hiên nhà; không có những chuyến đi chơi, đi thăm thân xa… Các gia đình có thêm thời gian quây quần bên nhau, cùng tham gia những hoạt động đón Tết theo phong tục riêng của dân tộc mình, cùng mong ước những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Phúc Khang (baocaobang.vn)