Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Hà Quảng nỗ lực đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK GDPT), huyện Hà Quảng nỗ lực triển khai những giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng các yêu cầu của chương trình. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng đồng bộ, đạt chuẩn; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

 

     

    Các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Hà Quảng tổ chức dạy học trên 6 buổi/tuần, chú trọng phát triển phẩm chất năng lực trên cơ sở trang bị kiến thức cho học sinh.

    Ghi nhận thực tế tại Trường THCS Nà Giàng về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK GDPT, chúng tôi nhận thấy việc thay đổi SGK lớp 6, lớp 7 đến nay đã đi vào nền nếp; cơ sở vật chất được đầu tư tương đối đảm bảo, đủ phòng học; khuôn viên trường khang trang, sạch đẹp.

    Cô giáo Đàm Thị Thê, Hiệu trưởng Trường THCS Nà Giàng cho biết: 100% cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ hằng năm; 100% giáo viên được tập huấn sử dụng SGK lớp 6, lớp 7, Chương trình GDPT 2018; việc lựa chọn SGK đưa vào giảng dạy được thực hiện theo quy định. Nhà trường có 8 phòng học văn hóa, 4 phòng học bộ môn; hệ thống trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư, bổ sung. Tổ chức dạy học trên 6 buổi/tuần, học sinh tích cực tham gia học, đạt được các yêu cầu cơ bản của các môn học và hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018.

    Là người trực tiếp tham gia giảng dạy chương trình SGK GDPT mới, cô giáo Đàm Thị Minh Thư, Tổ công tác xã hội Trường THCS Nà Giàng chia sẻ: Chương trình GDPT mới chú trọng rèn luyện cho học sinh kỹ năng, tư duy độc lập, có khả năng phát hiện, giải quyết vấn đề, đặc biệt là kỹ năng làm việc theo nhóm. Hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá phong phú theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện tính tự học cho học sinh; chú trọng phát triển phẩm chất năng lực của học sinh trên cơ sở trang bị kiến thức. Tuy nhiên, yêu cầu cần đạt của một số môn học còn cao so với năng lực của học sinh; một số bài còn nặng về kiến thức, dung lượng dài chưa phù hợp với thời lượng dạy học. Bên cạnh đó, Chương trình GDPT mới có một số môn mới như: Lịch sử, Địa lý, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với nhiều hình thức giảng dạy khác nhau nhưng phần lớn giáo viên các môn học này chưa được bồi dưỡng đầy đủ, dẫn đến tình trạng 1 môn học có 2 - 3 giáo viên dạy, gây khó khăn cho việc lập kế hoạch, kiểm tra, chấm điểm, đánh giá học sinh. Cơ sở vật chất được trang bị nhưng chưa đáp ứng được việc dạy và học theo yêu cầu mới.

    Hiện nay, trên địa bàn huyện có 78 trường học mầm non và phổ thông (bao gồm cả các trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo) với 16.207 học sinh/783 lớp; 1.602 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học. Thời gian qua, việc đổi mới Chương trình SGK GDPT, các cơ sở GDPT trên địa bàn huyện triển khai đúng lộ trình, bám sát chủ trương đổi mới giáo dục và các văn bản chỉ đạo của cấp trên. 100% cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn trước khi thực hiện dạy chương trình GDPT mới; các SGK được lựa chọn sử dụng trên địa bàn huyện phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của các nhà trường, địa phương. Kết quả học tập của học sinh học chương trình SGK GDPT mới cơ bản đáp ứng mục tiêu chương trình lớp học.

    Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình GDPT mới trên địa bàn huyện vẫn gặp một số khó khăn như: dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động chuyên môn phục vụ đổi mới; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học của các cơ sở GDPT còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là các hạng mục phòng học bộ môn và thiết bị dạy học tối thiểu cho các khối lớp; công tác quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức; kinh phí đầu tư các hạng mục xây dựng cho các cơ sở giáo dục còn hạn chế. Đối với cấp tiểu học còn thiếu giáo viên dạy các môn: Tiếng Anh, Tin học; cấp THCS thiếu giáo viên môn Tin học, Sinh - Hóa, Toán - Lý… Giá SGK Chương trình GDPT mới cao hơn so với mức sống, thu nhập của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; việc ủng hộ, tặng SGK cho học sinh  hoàn cảnh khó khăn được quan tâm, ủng hộ nhưng số lượng còn hạn chế.

    Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nguyễn Quốc Hưng cho biết: Hiện nay đang hướng dẫn các trường học điều chỉnh, sắp xếp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để thực hiện Chương trình SGK GDPT mới; rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học; chú trọng công tác tập huấn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về thực hiện chương trình, đổi mới dạy học, SGK, bồi dưỡng dạy học các môn học tích hợp. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng thời lượng, bổ trợ kiến thức cho học sinh đối với các nội dung còn chưa đầy đủ do sự khác nhau giữa hai chương trình học mới và cũ để thực hiện chương trình mới đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Thực hiện sắp xếp hợp lý các điểm trường, giảm các điểm trường, lớp lẻ để có nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường phổ thông; huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các cơ sở GDPT, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT mới…

    Lam Giang (baocao bang.vn)