Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Hà Quảng xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch

Hà Quảng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dịch vụ, du lịch với hai loại tài nguyên là du lịch tự nhiên và du lịch văn hóa. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích lịch sử Kim Đồng và nhiều địa chỉ đỏ gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các điểm di sản địa chất, văn hóa có giá trị trong Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng… Do đó, huyện quan tâm khai thác yếu tố lợi thế, chú trọng xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch.

Thực hiện nội dung đột phá về phát triển Du lịch - Dịch vụ bền vững giai đoạn 2021 - 2025, hằng năm, Ban Chỉ đạo huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phát triển dịch vụ, du lịch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và các cơ quan, đơn vị. Tiến hành khảo sát, kiểm tra nắm tình hình triển khai tại các xã, thị trấn, trên cơ sở đó, định hướng, đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Từ năm 2022 đến nay, huyện ban hành 15 văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện chương trình phát triển dịch vụ, du lịch.

Các điểm đưa vào quy hoạch, hỗ trợ đầu tư du lịch trong giai đoạn 2021 - 2025 như: Bãi tình (xã Thanh Long), Nặm Ngùa (xã Ngọc Động), Lũng Luông, Kéo Yên (xã Lũng Nặm), các điểm trình diễn và trưng bày ẩm thực, văn hóa truyền thống các dân tộc tại xã Trường Hà… được huyện quan tâm định hướng, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp tham mưu xây dựng quy hoạch và điều chỉnh đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của huyện, của tỉnh. 

Điểm du lịch Bãi Tình, xã Thanh Long thu hút du khách vào các kỳ nghỉ cuối tuần, dịp lễ, tết.
Điểm du lịch Bãi Tình, xã Thanh Long thu hút du khách vào các kỳ nghỉ cuối tuần, dịp lễ, tết.

Năm 2022, huyện tập trung đầu tư hỗ trợ, chỉ đạo xây dựng 3 mô hình điểm về du lịch như: hỗ trợ hơn 346,5 triệu đồng xây dựng điểm du lịch tại Nặm Ngùa, xã Ngọc Động với 16 hộ dân tham gia, các hộ dân đóng góp 5 triệu đồng/hộ để cải tạo, chỉnh trang điểm du lịch; hỗ trợ ban đầu 60 triệu đồng xây dựng mô hình đội văn nghệ phục vụ du lịch “Suối nguồn” gồm 12 thành viên, tham gia biểu diễn phục vụ nhiều đoàn khách tại Mế Farmstay, Homestay Pác Bó, các chương trình giao lưu của huyện. Ngân sách huyện hỗ trợ 140 triệu đồng, các hộ đối ứng hơn 100 triệu đồng xây dựng mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch tại xóm Pác Bó, xã Trường Hà. Mô hình gồm 5 hộ dân tham gia, thực hiện sản xuất trong nhà lưới mỗi năm 3 vụ trồng dưa lưới, dưa lê, dưa hấu, cà chua, rau… áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt kỹ thuật cao, doanh thu đạt 288 triệu đồng/năm. Trong thời gian qua, mô hình đón nhiều đoàn khách với trên 700 lượt người của các huyện đến tham quan, học tập kinh nghiệm, trải nghiệm mô hình. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ triển khai mô hình du lịch về đêm tại thị trấn Thông Nông định kỳ vào dịp cuối tuần theo chủ đề từng tháng, với các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian, trưng bày các gian hàng ẩm thực địa phương… 

 

 

Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đầu tư 2 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch gồm dâu tây Nặm Ngùa và nhà màng trồng các loại cây: dưa lưới, dưa lê, dưa hấu trái vụ tại bãi tình, xã Thanh Long. Mỗi mô hình được hỗ trợ 500 triệu đồng từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đầu tư, xây dựng 1 điểm dừng chân, trưng bày và bán sản phẩm đặc sản địa phương từ nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ điểm trưng bày trình diễn làng nghề, phục dựng và biểu diễn hát then, hát đàn tính tại xã Trường Hà từ kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Huyện tập trung xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch theo hướng du lịch văn hóa lịch sử với các hoạt động về nguồn tới mỗi “địa chỉ đỏ” và phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Theo đó, huyện tổ chức Lễ hội về nguồn Pác Bó ngày 1/2 âm lịch hằng năm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó với các hoạt động phong phú, đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; phối hợp khảo sát xây dựng tuyến du lịch kết nối từ cội nguồn cách mạng đến “Xứ sở thần tiên” huyện Trùng Khánh. Hằng năm, phối hợp với Ban Quản lý các khu di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh tuyên truyền, chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức đón khách du lịch đến tham quan. Tại điểm du lịch Nặm Ngùa, xã Ngọc Động thường xuyên đón du khách đến tham quan, trải nghiệm vào các kỳ nghỉ, dịp lễ, Tết, đạt mục tiêu về quy mô tối đa phục vụ 100 khách/lượt tham quan, 30 khách có nhu cầu nghỉ tại cộng đồng. Điểm du lịch Bãi Tình, xã Thanh Long bắt đầu triển khai từ cuối tháng 3/2023, đến nay, đón hơn 1.000 lượt khách. 

Cùng với đầu tư xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch, huyện quan tâm khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia phát triển du lịch. Hiện, trên địa bàn huyện có 3 homestay; 13 nhà nghỉ, khách sạn; trên 13 nhà hàng ăn uống thường xuyên được tuyên truyền và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, thái độ phục vụ du khách; tại xã Trường Hà có 2 đơn vị, cá nhân đầu tư điểm du lịch sinh thái, ẩm thực, tổ chức các chương trình văn nghệ, các hoạt động trải nghiệm văn hóa.

Mế Farmstay tại xã Trường Hà - Điểm lưu trú kết hợp du lịch với nông trại nhà vườn, là điểm đến lý tưởng của nhiều khách du lịch.
Mế Farmstay tại xã Trường Hà - Điểm lưu trú kết hợp du lịch với nông trại nhà vườn, là điểm đến lý tưởng của nhiều khách du lịch.

Nhằm đẩy mạnh, quảng bá về các sản phẩm và tiềm năng du lịch, từ năm 2022 đến nay, huyện tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ gắn với các địa danh, danh lam thắng cảnh tại địa phương như: Ngày hội đọc sách tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó; cuộc thi video “Em là hướng dẫn viên du lịch”; “Đêm hội sắc màu dân tộc”, ra mắt đội văn nghệ phục vụ du lịch tại thị trấn Thông Nông; ngày hội văn hóa các dân tộc; hội thi “Đội tuyên truyền quảng bá tiềm năng du lịch”; hội thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc; Lễ hội về nguồn Pác Bó… Xây dựng video tuyên truyền, quảng bá du lịch về nghề vẽ tranh thờ của dân tộc Dao tại xã Thanh Long, giới thiệu về du lịch, các điểm di tích, các điểm công viên địa chất toàn cầu trên địa bàn huyện. Phối hợp với các cơ quan, thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh xây dựng chương trình quảng bá sản phẩm du lịch, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa đạt hiệu quả.

Thời gian tới, huyện tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và người dân. Tiếp tục quan tâm, kêu gọi các nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, tín ngưỡng gắn với việc phát triển du lịch, bảo tồn cảnh quan. Tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử - tâm linh, trải nghiệm văn hóa bản địa, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí, ẩm thực. Nghiên cứu, đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới có tiềm năng như du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch học tập - du lịch học đường. Đẩy mạnh các chương trình truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về du lịch, bảo vệ tài nguyên du lịch, nâng cao ý thức của toàn dân về ứng xử văn hóa, văn minh trong hoạt động du lịch, xây dựng điểm đến du lịch an toàn, thân thiện và mến khách, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

 Lam Giang (baocaobang.vn)