Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Khao khát Lũng Nhùng
Trong chuyến đi thực tế lần này, tôi chọn Lũng Nhùng - một xóm người Dao khó khăn nhất của xã Quý Quân (Hà Quảng). Xóm cách trung tâm xã hơn 10 km, thậm chí có những nhóm hộ phải đi 20 km đường rừng leo núi. Trên đỉnh núi heo hút 46 hộ dân tộc Dao ngày đêm lao động sản xuất mong sớm thoát nghèo. Trong ánh mắt đượm buồn, xa xăm của họ vẫn luôn khao khát, ước mơ cái nghèo sẽ vượt ra khỏi con dốc, đỉnh đèo nơi hẻm núi Kỳ Lủng trước mặt, vượt qua rào cản, định kiến ngàn đời để mang một tương lai tươi sáng về cho đồng bào nơi đây.

Đường vào xóm Lũng Nhùng, xã Quý Quân (Hà Quảng).

Kỳ 1: Cuộc sống người Dao trên đỉnh Kỳ Lủng

Nhìn lên đỉnh núi sau trụ sở xã, Chủ tịch UBND xã Quý Quân (Hà Quảng) Nông Thị Đay cho biết: Đỉnh núi này người dân gọi là Kỳ Lủng, quanh năm nắng gió và mây mù bao phủ. Ở đó có xóm nghèo người Dao mang tên Lũng Nhùng từ năm này qua năm khác vẫn bám đất, bám rừng tiếp tục sống. Đến được Lũng Nhùng, sau khi đi ô tô một đoạn, phải đi bộ leo núi 4 km, đây là xóm nghèo và khó khăn nhất của xã Quý Quân.

GẬP GHỀNH ĐƯỜNG VÀO LŨNG NHÙNG

Chúng tôi chinh phục đỉnh Kỳ Lủng vào một ngày hè nắng chói chang. Sau hơn 30 phút đi ô tô lên đến Phân trường Lũng Mới - điểm cuối của con đường mới mở lên Lũng Nhùng, chúng tôi gửi xe tại nhà của người dân để tiếp tục đi bộ đến xóm Lũng Nhùng. Con đường mòn chỉ rộng khoảng 1 m đoạn thì đất đỏ, đoạn thì đá hộc, lâu lâu có được 1 đoạn bê tông. Dọc đường trên các triền dốc, những cây cỏ dại vốn đã sinh trưởng quen với vùng đất khô cằn nhưng nay cũng cong mình, lá héo úa vì thiếu nước. Theo cán bộ xã Quý Quân, so với mấy năm trước con đường hiện nay đã dễ đi hơn rất nhiều. Ngoài hơn 5 km đường mới mở đi được bằng ô tô, hiện 4 km còn lại phải đi bộ, người dân đã góp ngày công, vật chất để san mặt bằng, đổ bê tông đi lại dễ dàng hơn.

Trong câu chuyện dọc đường đi, chúng tôi được cán bộ xã kể về những khó khăn của bà con nơi đây. Lũng Nhùng vốn là vùng đất cằn, cỏ cây và con người đều phải vươn lên trong khắc nghiệt. Đến nay, xóm chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, thiếu điện lưới quốc gia, đường đi lại khó khăn. Là cán bộ xã được cử về sinh hoạt chi bộ cùng xóm Lũng Nhùng mấy năm nay, anh Nguyễn Văn Sự, Phó trưởng Công an xã Quý Quân chia sẻ: Chỉ cần nghe tên xóm đã thấy khó khăn, cuộc sống của người dân không có lối thoát. Lũng Nhùng là thung lũng chỉ có loài cây tên là nhả nhùng (tiếng địa phương) có thể sống tốt vì chịu được hạn hán và thời tiết khắc nghiệt. Nhả nhùng là cây cỏ mọc theo từng bụi, thân cây quấn vào nhau, bùng nhùng, khó gỡ. Phải chăng cuộc sống của người dân nơi đây cũng luẩn quẩn, không lối thoát như tên gọi của xóm vậy. Những năm trước, để đến xóm Lũng Nhùng phải đi bộ từ đường xã rẽ lên khoảng 9 - 10 km, nhiều nhóm hộ phải đi xa hơn, có nhóm hộ đi gần 20 km. Vì vậy Lũng Nhùng như một ốc đảo. Nông sản làm ra của cải không mang đi bán được, các nhu yếu phẩm như mắm, muối, dầu hỏa… đều qua đôi vai người dân mới về đến bản; 100% hộ đều là hộ đói, nghèo.

Sau gần 2 giờ bước thấp, bước cao, mồ hôi ướt đầm cả áo, chúng tôi cũng vượt qua núi Kỳ Lủng, chạm chân đến với xóm Lũng Nhùng. Những ngôi nhà của bà con nằm lọt thỏm giữa những nương ngô, cánh rừng. Theo câu chuyện của anh Sự và chặng đường vượt núi vừa đi qua, chúng tôi hình dung được phần nào những khó khăn của người Dao Lũng Nhùng, nhưng có lẽ vẫn chưa là gì khi tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân và gặp gỡ nghe họ trải lòng về những gì đã phải trải qua từ bao đời nay trên đỉnh núi đại ngàn này.

Nhà ở của đồng bào Dao xóm Lũng Nhùng nằm lọt thỏm dưới khe núi.

ĐÓI NGHÈO BỦA VÂY, HỦ TỤC NẶNG NỀ

Mặc dù đã liên hệ trước nhưng khi chúng tôi đến, cả Bí thư Chi bộ và Trưởng xóm Lũng Nhùng đều đi làm rẫy chưa về, chúng tôi đến thăm các hộ dân để tìm hiểu cuộc sống của bà con. Gia đình đầu tiên chúng tôi gặp là ông Triệu Văn Việt, gia đình ông có 5 nhân khẩu gồm vợ chồng ông, vợ chồng người con trai và 1 cháu nhỏ hơn 18 tháng tuổi. Trong căn nhà sàn đã cũ nát, không có vật dụng gì có giá trị, thấy có khách đến, ông Việt với tay bật bóng điện sáng lên nhưng cứ nhấp nháy, lờ nhờ, đùng đục. Ông Việt giải thích: Điện này dân tự kéo cách đây vài ki lô mét, dây điện nhỏ nên rất yếu. Nhà nước chỉ đầu tư điện đến trung tâm xóm, còn điện về từng hộ do quá xa nên người dân tự đầu tư kéo đường dây.

Ngay cạnh chỗ chúng tôi ngồi, bà Triệu Thị Nhất vợ ông Việt, một tay ôm cháu, một tay làm bữa cơm trưa cho gia đình. Nhìn mâm cơm của gia đình bà, chúng tôi không khỏi chạnh lòng, 2 bát cơm ngô to, 1 bát rau, 1 bát canh làm từ phở khô mà lúc đầu mới nhìn chúng tôi nghĩ đó là canh măng. Do hôm nay nhà có khách từ xóm khác đến chơi nên có thêm 1 bát thịt. Theo vợ ông Việt, bà con ở đây quanh năm chỉ ăn ngô, 100% đất sản xuất là đất rẫy, một năm trồng 1 vụ ngô. Như nhà ông Việt gọi là có đủ nhân lực thì một năm trồng được khoảng 25 kg ngô giống (bà con ở đây không biết tính diện tích). Nếu thời tiết thuận lợi có thể đủ ăn cho cả nhà một năm, nếu bị hạn hán hoặc lũ lụt thì năm đó thiếu ăn từ 4 - 6 tháng.

Khi chúng tôi hỏi sao không chăn nuôi thêm để nâng cao mức sống, bà Nhất trùng giọng nói: Cũng muốn nuôi con gà, con lợn lắm nhưng lấy gì về chăn. Ngô còn không đủ cho người ăn thì sao có dư để chăn gà, lợn. Vừa rồi một số gia đình trong xóm cũng nuôi lợn nhưng không có tiền mua thuốc tiêm phòng bệnh, ăn uống không đầy đủ nên bị dịch bệnh chết hết.

Theo quan sát của chúng tôi, đất đai ở đây rất rộng nhưng vì là đất núi đá khô cằn, người dân trồng bằng giống ngô địa phương, phương thức canh tác lạc hậu, không có phân bón nên cây ngô phát triển chậm, năng suất thấp, chưa kể hạ tầng cơ sở thiếu thốn càng cản trở người dân bứt phá đi lên. Không chỉ cuộc sống khó khăn, phong tục, tập quán của người dân cũng lạc hậu, nặng nề; nhiều hủ tục cưới xin, ma chay từ ngàn xưa vẫn giữ nguyên, khiến cho đời sống người dân càng thêm luẩn quẩn, không lối thoát.

Ông Triệu Văn Phin, một người dân trong xóm bộc bạch: Đám cưới, đám ma ở đây vẫn còn nhiều thủ tục khá rườm rà. Đơn cử như đám ma, nếu nhà có người qua đời, người nhà phải mời thầy về cúng, làm ma 2 ngày, 2 đêm. Hàng xóm, dân làng mỗi nhà góp 1 kg ngô, nửa lít rượu, 10 nghìn đồng gọi là giúp đỡ gia đình, rồi cả nhà đến ăn uống suốt 2 ngày, 2 đêm. Tiền thầy, tiền mua lợn, gà cúng, tiền áo quan…, trung bình hết khoảng 30 triệu đồng/đám. Tất cả chi phí đấy gia chủ phải đi vay mượn, có gia đình từ đời này sang đời khác không bao giờ trả được hết nợ tiền đám ma, đám cưới.

Trình độ nhận thức, thói quen sinh hoạt, sản xuất và một số hủ tục lạc hậu… được xem là những rào cản để đưa bà con thoát khỏi nghèo đói. Và bài toán thoát nghèo ở Lũng Nhùng đang là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền xã Quý Quân trong những năm qua.

Kỳ cuối: Lời giải nào cho bài toán thoát nghèo ở Lũng Nhùng

 
Minh Hòa (baocaobang.vn)