Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Khao khát Lũng Nhùng
Kỳ cuối: Lời giải nào cho bài toán thoát nghèo ở Lũng Nhùng Những “rào cản” cho phát triển kinh tế - xã hội ở Lũng Nhùng đã được nhận diện, nhưng làm thế nào để tháo gỡ là vấn đề nan giải với cấp ủy, chính quyền nơi đây. Chủ tịch UBND xã Quý Quân Nông Thị Đay trăn trở: Dù cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã đã nỗ lực thực hiện nhiều chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng chưa đạt như mong đợi. Cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều lần họp bàn, chỉ ra những nguyên nhân nhưng để thay đổi nhận thức của người dân không thể làm trong “một sớm, một chiều”.

Cán bộ xã Quý Quân (Hà Quảng) tuyên truyền, vận động người dân Lũng Nhùng khắc phục khó khăn, xây dựng cuộc sống mới.

CÁI KHÓ BÓ ƯỚC MƠ

Không có giao thông, việc đi lại rất khó khăn, chưa có điện lưới quốc gia, nước sạch vệ sinh; nhiều hủ tục chưa được xóa bỏ gây lãng phí, trong khi đời sống của người dân chưa phát triển tương xứng…, tất cả những điều đó không chỉ làm cho cuộc sống người dân chật vật mà còn khiến cho bà con không dám mơ ước một cuộc sống khá hơn. Một nguyên nhân nữa do người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không tích lũy, thiếu quyết tâm thoát nghèo.

Nằm lọt thỏm giữa nương ngô, ngôi nhà của ông Triệu Văn Minh nhìn tuềnh toàng, mái và xung quanh nhà được lợp, quây bằng cây tre, nứa, trong nhà không có vật dụng giá trị ngoài mấy cái cuốc, cái nồi và mấy bộ quần áo cũ. Ông Minh đang ngồi trầm ngâm hút thuốc, thấy có khách đến ông mời khách vào nhà. Qua câu chuyện hỏi thăm về đời sống, ông Minh cho biết: Từ lúc trồng xong ngô, gia đình ông không biết làm thêm việc gì, hằng ngày chỉ đi cắt cỏ chăn 1 con bò và đợi thu hoạch ngô. Trước đây, các tổ chức, đoàn thể xã đến tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con cách làm ăn sao cho đỡ nghèo, nhưng tiền không có, lương thực cũng không nên gia đình tôi không dám làm gì. Hằng năm gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ gạo cứu đói.

Gia đình bà Triệu Thị Khé cũng tương tự, vợ chồng bà có 1 người con gái đã lấy chồng ở gần nhà, còn chồng bà năm 2021 vừa qua đời. Gia đình bà được Nhà nước hỗ trợ xây dựng căn nhà lắp ghép năm 2021. Nhưng từ ngày chồng qua đời bà hầu như không làm gì, suốt ngày chỉ đi từ nhà này sang nhà khác chơi, uống rượu. Trong căn nhà lắp ghép, ngoài bức ảnh Bác Hồ được treo trang trọng giữa nhà thì trong nhà đều trống trơn.

Qua tìm hiểu chúng tôi, những trường hợp như gia đình ông Minh, bà Khé trong xóm không nhiều. Người Dao Lũng Nhùng vẫn có những người muốn bứt phá vươn lên, muốn thay đổi số phận của bản thân và con cái như hộ ông Triệu Văn Nần. Cả nhà ông ai cũng chịu khó làm ăn, cố gắng lao động sản xuất. Sau khi người con trai đi bộ đội về, ông động viên con đi làm thuê, làm công nhân ở ngoài tỉnh để tăng thêm thu nhập. Dần dần gia đình ông có tiền tích lũy và xây được ngôi nhà khang trang, ngôi nhà ông Nần chính là ngôi nhà xây duy nhất của xóm. Thế nhưng ngôi nhà ông Nần cũng mới chỉ xây xong phần thô, chưa trát xi măng, nền nhà cũng chưa láng nhưng số tiền để chi cho ngôi nhà đã lên đến hơn 300 triệu đồng. Bởi từ viên gạch, xe cát, bao xi măng đều phải thuê người mang vác từ ngoài vào. Mỗi một viên gạch thuê vận chuyển vào đến xóm là 1,5 nghìn đồng, mỗi 1 kg cát và xi măng 1 nghìn đồng, cộng với tiền công xây dựng cũng không rẻ do đường đi lại khó khăn. Ngôi nhà xây chưa hoàn thiện, hết tiền, con ông Nần tiếp tục đi làm thuê và gia đình ông vẫn ngày ngày chăm chỉ lao động để mong kiếm tiền, hoàn thiện căn nhà và cải thiện cuộc sống.

Một thực tế đau lòng nữa mà chúng tôi ghi nhận tại Lũng Nhùng, đó là không chỉ người dân đói ăn mà ngay cả con chữ cũng thiếu. Qua tìm hiểu, hầu như cả xóm không ai đi học đại học, hcao đẳng. Tỷ lệ con em học hết lớp 12 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không được học hành, bọn trẻ lớn lên một chút rồi lấy vợ, lấy chồng, sinh con, cứ như vậy cái nghèo cứ bao bọc hết mọi ước mơ, khát vọng của người dân nơi đây.

CẦN CHUNG SỨC GIÚP LŨNG NHÙNG THOÁT NGHÈO

Trải qua nhiều thập kỷ, các hộ đồng bào trên đỉnh Kỳ Lủng luôn cháy bỏng ước mơ về cuộc sống sung túc. Thế nhưng để hiện thực hóa ước mơ đó không phải thực hiện trong “một sớm, một chiều” và rất cần sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và các cấp, ngành. Ông Triệu Văn Phin là một trong những lớp người đảng viên đầu tiên của xóm chia sẻ: Tôi từng đi bộ đội và được kết nạp Đảng trong quân ngũ. Khi trở về địa phương, tôi được bà con tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, rồi trưởng xóm một thời gian khá lâu, sau này khi tuổi cao tôi không tham gia nữa nhưng hiện giờ tôi vẫn là Thôn đội trưởng của xóm. Xóm có 46 hộ nhưng sống rải rác ở 24 hẻm núi, có những cụm đi bộ cả ngày đường mới đến nơi. Điều chúng tôi nhận thấy là cái khó nhất và cũng cản trở chúng tôi vươn lên nhất là giao thông, từ năm 2012, tôi vận động bà con góp công sức cùng phá đá, san gạt mặt bằng, đóng góp tiền mua xi măng, cát, sỏi làm con đường nhỏ để xe máy có thể đi lại được. Nhưng do nhân lực, tiền ít, sau 10 năm cũng chỉ cơ bản rải được đá, tạo mặt bằng, bê tông đổ được mấy chục mét, chỉ có thể đi bộ dễ dàng hơn chứ xe máy vẫn chưa vào được. Người dân rất mong Nhà nước quan tâm giúp bà con làm con đường đi lại và kéo điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Có như vậy mới hy vọng người dân thoát được nghèo.

Cả xóm Lũng Nhùng có 20 đảng viên, tất cả các đảng viên đều phát huy tốt vai trò đầu tàu gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết, vận động nhân dân cùng khắc phục khó khăn, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới. So với trước đây, người dân chỉ biết trồng ngô, lên rừng săn bắt, nay qua tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền, sự động viên, chia sẻ của những đảng viên trong xóm như ông Phin, hiện cả xóm có hơn 40 thanh niên nam, nữ đi làm công nhân tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội…, giúp gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Chủ tịch UBND xã Quý Quân Nông Thị Đay cho biết: Để giúp bà con Lũng Nhùng bớt khó khăn, thời gian qua, ngoài thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều lần họp bàn, chỉ ra được những nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp, như khảo sát và đề xuất với cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư làm đường cho dân. Năm 2021, từ nguồn vốn hỗ trợ của Bộ Công an thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát, xã ưu tiên chọn 18 hộ khó khăn nhất để làm nhà cho bà con; thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát của huyện, tỉnh, xã tiếp tục khảo sát lựa chọn làm thêm 11 nhà. Hiện đã làm xong 10 nhà, còn 2 nhà đang tập kết vật liệu.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, xã đưa ra nhiều chương trình, giải pháp giúp người dân nâng cao thu nhập như thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân đưa các cây trồng mới vào sản xuất, thời gian tới xã dự kiến vận động người dân trồng cây lạc, đặc biệt, xã vận động bà con trồng cỏ voi chăn nuôi bò vỗ béo. Đến nay, cả xóm bắt đầu biết trồng cỏ voi và có hơn 100 con bò, tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên trên con đường giảm nghèo bởi tập quán canh tác của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ, hạ tầng cơ sở còn nhiều bất cập... Rất mong Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở cho bà con và có các chính sách hỗ trợ giúp người dân phát triển kinh tế bền vững hơn nữa.

Những tín hiệu vui từ thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân nơi đây đã bắt đầu nhen nhóm. Mang theo niềm vui nho nhỏ, chúng tôi rời Lũng Nhùng khi mặt trời đã quá đỉnh đầu. Trên đường về xã, cùng đi với chúng tôi còn có hai người dân trong xóm ra ngoài huyện mua đồ, dù đang nắng gắt và phải leo dốc nhưng bước chân của bà con vẫn thoăn thoắt không ngơi nghỉ. Bước chân của họ nhanh, bền bỉ như chính ước mơ, khát vọng thoát nghèo của bao thế hệ người Dao sống trên đỉnh Kỳ Lủng này. Chúng tôi cũng mong với đôi chân chắc khỏe, nhanh nhẹn cùng tư duy, khát vọng đổi mới của bà con, Lũng Nhùng sẽ sớm thoát nghèo.

 
Minh Hòa (baocaobang.vn)