Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Gìn giữ nét đẹp trang phục truyền thống dân tộc Nùng
Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến các xã vùng cao để tìm hiểu nét đẹp văn hóa, trang phục truyền thống của dân tộc Nùng.
Chị Sầm Thị Bằng, xóm Pác Hoan, xã Nội Thôn (Hà Quảng), người lưu giữ nghề may trang phục dân tộc Nùng Giang.

Chị Sầm Thị Bằng, xóm Pác Hoan, xã Nội Thôn (Hà Quảng), người lưu giữ nghề may trang phục dân tộc Nùng Giang.

Dân tộc Nùng chiếm 29,81% dân số toàn tỉnh, với số dân 158.114 người, có số dân đông thứ hai sau dân tộc Tày. Dân tộc Nùng có nhiều ngành gồm: Nùng Cháo, Nùng Inh, Nùng An, Nùng Khen Lài, Nùng Lòi, Nùng Quý Rịn, Nùng Giang, Nùng Phản Sình, Nùng Xuồng, Nùng Vẻn... Các nhóm ngành Nùng có nhiều nét tương đồng về nhiều mặt trong cuộc sống sinh hoạt và tập quán. Tuy nhiên, do điều kiện khác nhau của mỗi địa phương, vùng miền, cùng quá trình lịch sử dài lâu nên các ngành Nùng hình thành những nét riêng về văn hóa, làm cho dòng tộc Nùng thêm đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Riêng nhóm Nùng Giang phân bố chủ yếu ở huyện Hà Quảng, sống hòa thuận, gắn bó với các dân tộc, cùng chung tay xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trang phục dân tộc Nùng khá phong phú, đa dạng, mỗi ngành có đặc điểm riêng và được cắt, may, thiết kế đơn giản. Áo được may theo kiểu tay bó, thân ngắn, may thành hai lớp, gồm 6 phần: Cổ áo (vò slí), gấu áo (tân slí), tà áo (thíp slí), vạt áo (tâu slí), tay áo (khen slí), cúc áo (cất slí). Phụ nữ mặc áo tứ thân, cài cúc bên nách phải, không dài quá hông; quần được may theo kiểu quần ống rộng bằng vải lụa hoặc lanh màu đen. Khăn quấn đầu của nữ cũng được làm bằng vải nhuộm màu đen hoặc khăn dệt hoa văn các màu. Trang phục của nam giới đơn giản hơn, áo ngắn tứ thân, tay bó, có 3 túi, cổ đứng, cúc bằng vải. Còn kiểu dáng quần được may theo kiểu quần ta, ống đứng. Khi mặc cạp quần gấp thành nhiều nếp, dùng dây vải làm thắt lưng.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Sầm Thị Bằng, dân tộc Nùng Giang, xóm Pác Hoan, xã Nội Thôn (Hà Quảng) đúng lúc chị cùng các chị em trong xóm đang tất bật với công việc cắt, may áo dân tộc. Trang phục của người Nùng đơn giản, không cầu kỳ, không sặc sỡ như trang phục của một số dân tộc khác mà thiên về tạo dáng; màu sắc trên trang phục cũng khá đa dạng, từ màu xanh nhạt đến xanh thẫm, tím than, đen hoặc kẻ ca rô các màu dệt từ vải thô, không thêu thùa; nẹp áo có thể được trang trí bằng vải khác màu nhưng phổ biến nhất vẫn là màu xanh đen. Trước đây, phụ nữ Nùng thường tự trồng bông, dệt và nhuộm vải để cắt, khâu trang phục, ngày nay, với sự đa dạng của các loại hàng hóa, hầu hết họ đều mua vải về may hoặc mua sẵn ở các chợ phiên.

Đến nay, phụ nữ Nùng từ trung niên đến cao tuổi vẫn mặc trang phục truyền thống, còn giới trẻ chỉ mặc vào dịp Tết hoặc lễ hội. Đặc biệt, trong đám cưới của người Nùng, cô dâu, chú rể luôn rạng rỡ trong bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình. Ngoài giữ gìn trang phục truyền thống, người Nùng nơi đây còn giữ gìn các làn điệu hát giao duyên, hát lượn, hát sli… Các thể loại dân ca Nùng được hình thành lâu đời, mang đậm bản sắc dân tộc, nhất là làn điệu sli Giang. Sli Giang chủ yếu hát đối đáp giao duyên giữa thanh niên nam nữ, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, cuộc sống mới tươi đẹp, ấm no, hạnh phúc.  

Vừa thoăn thoắt cắt, may, chị Bằng chia sẻ: Từ nhỏ, thấy những người cao tuổi trong xóm tự cắt, khâu áo dân tộc bằng tay, tôi thường lại gần mân mê chiếc áo, các bà thấy tôi ham học hỏi nên truyền dạy lại cách cắt, khâu áo.

Khi học cấp 2 ở xã Tổng Cọt, chị Bằng học may áo bằng máy khâu với chị dâu, rồi giúp chị may quần áo. Do đam mê nghề may, đến khi học phổ thông tại Nà Giàng, chị tiếp tục học cắt may. Ngày trước, để hoàn thành một chiếc áo trang phục truyền thống bằng tay mất thời gian khoảng một tuần. Nhưng giờ đây, vải mua sẵn và được may bằng máy, mỗi tuần chị có thể hoàn thành 3 - 4 chiếc áo. Tuy trang phục đơn giản, nhưng người thợ may vẫn cần phải kiên trì, khéo léo và tập trung, có những phần áo phải dùng kim lược bằng tay trước. Dưới bàn tay khéo léo của chị Bằng, chiếc áo dần hiện ra nhanh chóng và sắc nét. Một chiếc áo dân tộc bằng vải kẻ ca rô may hoàn chỉnh có giá 70 - 80 nghìn đồng, còn áo vải màu xanh pha đen có giá 120 nghìn đồng.


Trang phục của người Nùng Giang (Hà Quảng).

Xã Nội Thôn có 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Nùng. Hiện người Nùng nơi đây vẫn mặc trang phục truyền thống của dân tộc, do vậy, cửa hàng chị Bằng vẫn được bà con đặt may thường xuyên. Chị rất vui khi được làm những bộ trang phục dân tộc phục vụ cho bà con. Từ may trang phục cũng giúp chị có thêm thu nhập cho gia đình. “Nhưng quan trọng hơn là bản thân tôi có thể giúp lưu giữ được những bộ trang phục truyền thống của đồng bào mình cho thế hệ con cháu mai sau” - chị Bằng bộc bạch.

Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại và bận rộn hơn trước nhưng người dân tộc Nùng ở một số huyện trên địa bàn tỉnh vẫn mặc trang phục truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Đó là cách để gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp trong văn hóa của người dân tộc Nùng. Việc lưu giữ những nét đẹp truyền thống trong trang phục của đồng bào Nùng góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc trong tỉnh.

   Thu Hoà (caobang.vn)