Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Về Thanh Long nhảy lửa với người Dao Ðỏ
Với người Dao Ðỏ (Hà Quảng), lễ hội nhảy lửa là nét đẹp văn hóa tinh thần độc đáo, mang ý nghĩa giáo dục lòng can đảm của con người dám vượt qua khó khăn, thử thách, hướng đến cái thiện và những việc làm tốt đẹp trong cộng đồng. Ðồng thời, cầu mong một năm mới bình an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt và xua đi những điều không may mắn.

Những người tham gia nhảy lửa đi vòng quanh đống lửa, vừa nhảy lửa vừa dùng tay tung đống than hồng đang cháy lên không trung tạo thành những tia sáng đẹp mắt.

Nhiều năm qua, cứ vào dịp Tết Nguyên đán chúng tôi vượt đường đèo cheo leo đến với xã Thanh Long để hòa mình vào không khí lễ hội của người Dao Đỏ với màn nhảy lửa truyền thống độc đáo. Xã vùng cao Thanh Long hầu hết là người Dao Đỏ sinh sống từ bao đời nay. Ðã thành thông lệ, trước Tết Nguyên đán, những người sinh ra ở Thanh Long nói riêng và người Dao Đỏ nói chung dù đang công tác, sinh sống ở đâu cũng chuẩn bị cho chuyến du xuân trở về quê hương. Ai cũng mong muốn được về dự lễ hội ngay trong những ngày đầu xuân mới. Theo phong tục, ngày khai hội không cố định mà căn cứ vào ngày đẹp, giờ đẹp được các già làng, trưởng họ hay thầy Tào (thầy cúng) xem ngày kỹ lưỡng trong khoảng từ mùng 2 - 5 tháng Giêng âm lịch.

4 giờ sáng, trời lạnh buốt, sương giăng trắng lớp cỏ trên các sườn đồi, mặt ruộng, chúng tôi theo các chàng trai, cô gái Dao Đỏ xúng xính trong những bộ trang phục mới về trung tâm xã. Con đường liên xã trở nên chật hẹp khi các phương tiện đỗ đầy hai bên đường. Từ chiều hôm trước, bà con đã chuẩn bị thức ăn, đồ uống cho ngày hội dự tính sẽ kéo dài suốt đêm; các già làng, trưởng họ, nam thanh niên trong xã chuẩn bị những thứ cần thiết cho ngày lễ như: đồ cúng, đồ tế, bánh kẹo, thức ăn cho bữa trưa... Ai nấy đều háo hức chờ đón ngày hội vui nhất trong năm. Ðúng giờ đã định, phần lễ chính bắt đầu, đồ lễ gồm: gà luộc, gạo, rượu trắng, ly, giấy tiền, thẻ âm dương... được bày ra một chiếc bàn dài nơi trang nghiêm nhất. Ngay giữa sân phía trước bàn cúng tế là một đống củi to được chuẩn bị từ chiều hôm trước.

Lễ nhảy lửa là dịp con người cảm ơn thần lửa đã mang đến sự ấm áp và cầu thần linh phù hộ cho gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng, xua đuổi tà ma, bệnh tật. Đây cũng được coi là một nghi thức trưởng thành của những chàng trai người Dao Đỏ. Sau khi các lễ vật được chuẩn bị xong, thầy Tào bắt đầu ngồi xuống chiếc ghế dài, hai bên là những chàng trai phụ lễ. Tiếng trống, thanh la, chũm chọe cất lên cũng là lúc bài cúng bắt đầu ngân lên bằng tiếng Dao thỉnh mời gọi các đấng thần linh về nhập vào những người tham gia nhảy lửa. Khi thầy Tào gõ đàn và làm lễ cúng, từng người vào ngồi đối diện với thầy, đó chính là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa. Bên cạnh đó, thầy Tào sẽ nêu lý do tiến hành lễ với thần linh, cầu chúc cho năm mới mưa thuận, gió hòa, cuộc sống bình yên, hạnh phúc, ấm no, khỏe mạnh, vạn vật sinh sôi, nảy nở... Trong ánh đèn dầu trên mặt bàn, thầy Tào như người nối kết hai cõi lại với nhau, giữa thánh thần và những chàng trai nhảy lửa. Đọc xong một lượt, thầy Tào cầm đôi mảnh gỗ ném xuống đất, mỗi mảnh có mặt sấp và ngửa. Thầy Tào phải ném làm sao cho ra được một lần có hai mặt sấp, một lần có hai mặt ngửa, một lần có cả mặt sấp và ngửa, nếu không sẽ ném đi ném lại. Hoàn thành ba lần như thế, coi như thần linh đã đồng ý mang hơi ấm của mùa xuân về vui cùng dân bản. Kết thúc các nghi lễ cũng là lúc cơ thể những người tham gia nhảy lửa bắt đầu rung lên, báo hiệu họ sắp có sức mạnh và sự dũng cảm để nhảy vào đám than hồng trước mặt.

Khi bắt đầu bước vào buổi lễ, đống lửa cùng lúc được đốt lên, đến lúc này, đống củi đã trở thành một núi than hồng rừng rực cháy. Mọi người đổ dồn về tạo thành các lớp vòng tròn quây quanh ngọn lửa, dùng que tre gõ vào các ống vầu tạo thành những lớp âm thanh náo động cả một vùng. Pung… pung… pung, tiếng trống trong tay thầy Tào mỗi lúc một dồn dập, thôi thúc, các động tác lắc lư của các chàng trai mạnh dần.

Thầy Tào làm lễ khấn xin phép thần Lửa cho dân bản được tổ chức lễ hội.

Lễ nhảy lửa bắt đầu bằng những bài nhảy xung quanh đống lửa to. Khi đống củi đốt gần hết và trở thành một đống than hồng rực cháy, thầy cúng xin quẻ âm dương. Tham gia nhảy lửa là những người khỏe mạnh, được thầy Tào rèn luyện để có bản lĩnh nhảy qua đống than hồng. Số người tham gia lễ nhảy lửa phải là số chẵn 6, 8, 10 người trở lên. Ở những phút giây đầu tiên, họ lăn thật nhanh cả thân mình qua đống lửa, rồi họ đá chân lên trời, xoay người đủ các tư thế uốn éo, nằm, lăn, bò... Họ tiếp xúc với lửa bằng lưng trước, rồi mới tới tay, chân; quần áo họ đang mặc không bén lửa. Không chút dấu hiệu nào của nỗi đau, không nét nhăn nhó nào hiện lên trên mặt các chàng trai, họ dường như đang tận hưởng cảm giác "tắm lửa".

Trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của đám đông, từng người bắt đầu nhảy lửa, người nọ nối tiếp người kia say đắm nhảy trên đống than hồng, họ chạy vào giữa, đá đám than đi xa, cứ thế hàng chục lần. Các tia lửa bay ra xa tạo thành chùm sáng chói lòa nhìn rất thích mắt. Cứ khoảng 20 phút lại tiếp một đợt nhảy cho đến khi đống than hồng tắt lịm dưới những đôi chân trần đen nhẻm do than để lại. Thật kỳ lạ, không có ai bỏng chân, bỏng tay, cháy quần áo. Mắt ai cũng rực sáng như ánh lửa mùa xuân, ánh lửa tình yêu trong từng cặp trai tài, gái sắc. Những người không trực tiếp nhảy lửa cũng thấy nóng bừng không chỉ nhờ hơi ấm của than hồng mà họ đang say trong niềm vui ngày hội.

Vũ điệu nhảy lửa càng về sau càng sôi động, dần dần không chỉ có những người trực tiếp làm lễ xin phép tham gia mà ngay cả khán giả reo hò xung quanh cũng nhập cuộc khi đám tro than đã sắp tàn. Hòa trong sắc đỏ lập lòe và hương xuân của núi rừng, lễ hội nhảy lửa là một nét đẹp văn hóa, tồn tại mãi trong đời sống tâm linh của người Dao Đỏ nơi đây, hòa trong đó là khát vọng của con người được mạnh khỏe để vượt qua những khó khăn và khẳng định cái tâm sạch trước thần ma. Đồng thời, chứng minh cho lòng can đảm, sức tồn tại của người Dao, hướng tới cái thiện và cái đẹp sau những thử thách.

Sau khi hết lễ nhảy lửa, thầy Tào tiếp tục làm lễ cấp sắc (lễ trưởng thành) cho những chàng trai vừa tham gia lễ nhảy lửa. Bài lễ cấp sắc với các điệu nhảy bắt ba ba rất phong phú, khi thực hiện các bước nhảy bắt ba ba, trên đầu mỗi người đội một chiếc mũ có hình ảnh của 7 vị bồ tát tượng trưng cho mỗi vị thần khác nhau. Ai cũng bước theo các bước bắt ba ba với đội hình khi đi ngang, đi chéo khéo léo hòa với lời hát rất sinh động. Trong phần lễ cấp sắc, không phải cấp nào cũng được múa điệu bắt ba ba mà phải theo quy định bởi lễ cấp sắc của người Dao có nhiều bậc. Bậc đầu tiên, được cấp 3 đèn và 36 binh mã, bậc 2 cấp 7 đèn và 72 binh mã, bậc cao nhất cấp 12 đèn và 120 binh mã. Từ lễ cấp sắc bậc 2 trở lên mới được múa điệu nhảy bắt ba ba.

Lễ hội nhảy lửa của người Dao Đỏ ở Thanh Long thường xuyên được tổ chức vào dịp đầu xuân mới với đầy đủ nghi thức truyền thống cần được giữ gìn và phát huy. Qua lễ hội, truyền dạy cho con cháu cách xua tan nỗi sợ hãi và hun đúc tinh thần dũng cảm, dám vượt qua khó khăn, thử thách, hướng đến cái thiện trong cuộc sống.

 
Bùi Anh Tuấn (baocaobang.vn)