Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Vẻ vang một mái trường
Hà Quảng là mảnh đất cội nguồn cách mạng, có truyền thống hiếu học. Việc học và chăm lo cho sự học luôn được nhân dân coi trọng, là nét đẹp truyền thống của các gia đình và dòng tộc từ bao đời.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê thăm hỏi, động viên cán bộ, giáo viên Trường THPT Nà Giàng nhân dịp khai giảng năm học 2021 - 2022.

 Ngay từ trong áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc, không cam chịu thân phận của người dân mất nước, trên vùng đất Hà Quảng đã có nhiều tấm gương hiếu học. Tiêu biểu là tấm gương của cậu học trò nghèo nhưng giàu lòng yêu nước Hoàng Văn Chài, sau đó là thầy giáo, người đảng viên cộng sản đầu tiên của Hà Quảng Hoàng Văn Chài (tức Hoàng Tô) - Bí thư Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Hà Quảng, Chi bộ được thành lập ngày 20/6/1931. Đồng chí Hoàng Tô đã nêu một tấm gương sáng về truyền thống hiếu học và học giỏi gắn với tuyên truyền vận động cách mạng ở địa phương.

Sau cách mạng thành công, hòa bình lập lại, việc chăm lo giáo dục con em các dân tộc địa phương được Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là cấp ủy, chính quyền địa phương luôn đặt lên vị trí quan trọng hàng đầu. Trường THPT Nà Giàng, tiền thân là Trường Phổ thông cấp 2, 3 Nà Giàng, là một trong những trường được thành lập từ rất sớm trong tỉnh (tháng 8/1962) và là Trường THPT đầu tiên của huyện Hà Quảng. Khởi đầu là lớp 8 nhô (hệ 10 năm, tương đương lớp 10 hệ 12 năm ngày nay) là lớp cấp 3 đầu tiên của trường với 35 học sinh. Nhiệm vụ đặt ra lúc này của trường là thu hút học sinh của vùng Hà Quảng (lúc đó Thông Nông vẫn thuộc huyện Hà Quảng) và khu vực phía Bắc của huyện Hòa An. Những ngày tháng ấy, trường đứng chân ở xóm Bản Chá, xã Phù Ngọc (Hà Quảng), mãi đến năm 1995 trường mới di chuyển về địa điểm hiện nay, xóm Bản Bó, xã Phù Ngọc (nay là xã Ngọc Đào), huyện Hà Quảng.

Từ lớp 8 nhô với 35 học sinh thuở ban đầu, cùng với lớp học là nhà tranh, vách đất, theo thời gian trường đã có đầy đủ các lớp 8 - 9 - 10 của một trường cấp 3 hoàn chỉnh sau đó ít lâu. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với học sinh của Hà Quảng và vùng phía Bắc Hòa An, trường tiếp nhận một số học sinh miền Nam theo gia đình tập kết ra Bắc theo học. Từ ngày đầu mở lớp khai trường cho đến những năm 1980 của thế kỷ trước, trong đội ngũ các thầy, cô giáo của trường, bên cạnh các thầy, cô giáo là người trong tỉnh, có nhiều thầy, cô giáo là người miền xuôi đã đem tuổi thanh xuân cùng với tri thức và nhiệt huyết của mình lên giảng dạy, góp sức xây dựng trường, cống hiến cho Hà Quảng, cho Cao Bằng. Các thế hệ học sinh của trường cùng với đồng bào các dân tộc Hà Quảng, Cao Bằng luôn cảm phục, trân trọng và mãi mãi biết ơn những hy sinh thầm lặng, những cống hiến lớn lao của các thầy, cô giáo miền xuôi đối với địa phương, nhất là trong những tháng ngày gian khó gây dựng trường.

Trải qua bao thăng trầm và lớn lên cùng địa phương và đất nước, đến nay, Trường THPT Nà Giàng có một cơ ngơi khang trang, bề thế, đã và đang giữ một vị trí quan trọng trong sự nghiệp “trồng người” ở địa phương.

60 năm qua, từ mái trường THPT Nà Giàng đã có gần chục nghìn học sinh ra trường, đều trở thành những công dân có ích, công tác và làm việc trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Trong đó có hàng nghìn học sinh từ mái trường này hăng hái lên đường cầm súng vào các chiến trường đánh Mỹ và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc. Nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu của mình trên chiến trường, trở thành anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; có người trở thành tướng lĩnh, trở thành sĩ quan cấp cao của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Cũng từ mái trường này, nhiều người trở thành nông dân, công nhân, người lao động sản xuất, kinh doanh giỏi, có người trở thành kỹ sư, bác sĩ, có người trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện và các sở, ngành...
Những năm gần đây, hòa nhịp trong công cuộc đổi mới của địa phương, đất nước, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, trước yêu cầu đòi hỏi đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nhà trường tiếp tục có những nỗ lực, cố gắng mới rất đáng trân trọng. Đội ngũ thầy, cô giáo của trường ngày một lớn mạnh, 100% nhà giáo đều đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn, nhiều người đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp. Hằng năm, tỷ lệ học sinh khá, giỏi đều tăng, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học cũng tăng, đạt từ 20% trở lên. Nhiều năm nhà trường được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Nhìn lại một chặng đường vẻ vang 60 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng nói riêng, tỉnh Cao Bằng nói chung trân trọng ghi nhận và đánh giá rất cao những nỗ lực, cố gắng về những thành tích đã đạt được cùng những đóng góp to lớn, không ngừng nghỉ của Trường THPT Nà Giàng trong sự nghiệp cách mạng chung của địa phương mấy chục năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Truyền thống của trường trong những năm qua là rất vẻ vang, thành tích là to lớn, rất đáng trân trọng và tự hào. Song, chặng đường phía trước đang đặt ra những yêu cầu mới cao hơn đối với thầy và trò Trường THPT Nà Giàng. Tiếp nối truyền thống vẻ vang 60 năm xây dựng và trưởng thành, trước yêu cầu đổi mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng; lãnh đạo tỉnh đề nghị nhà trường cần quan tâm làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Trước hết, với hạt nhân lãnh đạo là Chi bộ Đảng, toàn thể các nhà giáo, cán bộ, công nhân, viên chức trong trường tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cùng với các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, của ngành; luôn bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hà Quảng lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Lấy đó làm xuất phát điểm của mọi kế hoạch hoạt động, là định hướng, là cơ sở ban đầu cho mỗi bài giảng, tiết dạy trong trường.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”. Phải có kế hoạch phấn đấu cụ thể từng năm để xây dựng trường sớm đạt trường chuẩn quốc gia trong thời gian tới. Cùng với việc giáo dục toàn diện, vừa dạy chữ, vừa dạy người; thay vì tập trung trang bị, cung cấp kiến thức một chiều cho học sinh thì nay phải lấy học sinh làm trung tâm, coi trọng việc khơi dậy, hình thành, phát huy kỹ năng tìm tòi, chiếm lĩnh tri thức của học sinh, đó là cơ sở để hình thành phương pháp tư duy độc lập, sáng tạo cho học sinh sau này.
Ba là, thường xuyên coi trọng và có hình thức lồng ghép phù hợp để giáo dục truyền thống, nhất là truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng của Hà Quảng, của Cao Bằng gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho các thế hệ học sinh hôm nay, từng bước chuyển hóa truyền thống và bản sắc dân tộc độc đáo của quê hương cội nguồn cách mạng thành nguồn lực nội sinh, thành quyết tâm, thành ý chí và khát vọng vươn lên xây dựng và phát triển địa phương của mỗi học sinh khi rời mái trường này.

Phát huy thành tích đã đạt được, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, kế thừa thành quả, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, cùng với sự quan tâm chăm lo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự ủng hộ tạo điều kiện của các cấp, ngành và nhân dân, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng thầy và trò Trường THPT Nà Giàng hôm nay sẽ kế thừa một cách xứng đáng truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, tiếp tục nhân lên truyền thống hiếu học của cha anh, viết tiếp những trang mới trong bảng vàng truyền thống của nhà trường. Trường THPT Nà Giàng sẽ có những đóng góp to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng.
Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (Cựu học sinh niên khóa 1978 - 1981, nguyên là thầy giáo dạy HóaTheo Baocaobang